Theo thông báo mời sơ tuyển, tổng mức đầu tư của Dự án vẫn là 3.271,09 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 510,79 tỷ đồng (không thay đổi so với quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án ngày 6/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ). Dự án đi qua thành phố Tuyên Quang, huyện Yên Sơn của tỉnh Tuyên Quang; huyện Đoan Hùng, huyện Thanh Ba, huyện Phù Ninh, thị xã Phú Thọ của tỉnh Phú Thọ. Thời gian xây dựng Dự án dự kiến là 24 tháng (dự kiến khởi công trong năm 2021, hoàn thành 2023) và thời gian hoàn vốn đầu tư Dự án là 21 năm 7 tháng.
Mục tiêu của Dự án là tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Phú Thọ nói riêng và khu vực trung du và miền núi phía Bắc nói chung; đảm bảo an ninh quốc phòng, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải của cả nước. Dự án sẽ được sơ tuyển rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện.
Theo UBND tỉnh Tuyên Quang, trước khi phát hành hồ sơ mời sơ tuyển Dự án BOT hơn 3.000 tỷ đồng này, Tỉnh đã gấp rút triển khai công tác chuẩn bị đầu tư với dự kiến đến tháng 6/2020 sẽ triển khai lựa chọn nhà đầu tư và tháng 12/2020 sẽ khởi công xây dựng công trình. Tuy nhiên, việc thu hút các nhà đầu tư thực hiện Dự án cũng như các ngân hàng cho vay vốn để thực hiện dự án BOT là rất khó khăn; nhà đầu tư quan tâm, đề xuất Dự án là Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường đã xin thôi thực hiện tiếp công tác chuẩn bị Dự án.
Với ý nghĩa quan trọng của tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, UBND tỉnh Tuyên Quang đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí thêm 2.600 tỷ đồng vốn cho Dự án và cho phép chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư công thuần túy. Tuy nhiên, trong lần mời sơ tuyển này, phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia Dự án không thay đổi.
Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong lần sơ tuyển này, yêu cầu về vốn chủ sở hữu và vốn vay mà nhà đầu tư phải thu xếp là 425,91 tỷ đồng; vốn vay nhà đầu tư phải huy động không thấp hơn 2.334,39 tỷ đồng. Tư vấn lập đề xuất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án là Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình giao thông 2 và Công ty CP Tư vấn Cầu Lớn - Hầm (đều có địa chỉ tại quận Đống Đa, Hà Nội). Tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án là Công ty CP Tư vấn thiết kế đường bộ (có địa chỉ tại quận Đống Đa, Hà Nội). Nhà đầu tư tham đấu thầu Dự án không có cổ phần hoặc vốn góp với các nhà thầu tư vấn; không cùng có cổ phần hoặc vốn góp trên 20% của một tổ chức, cá nhân khác với các đơn vị trên. Bên mời thầu không tổ chức hội nghị tiền đấu thầu và không tổ chức khảo sát hiện trường cho nhà đầu tư.
Việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư tham gia sơ tuyển Dự án sẽ sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100; trong đó, mức yêu cầu tối thiểu để đáp ứng yêu cầu là 60% tổng số điểm và điểm đánh giá của từng nội dung yêu cầu cơ bản tối thiểu phải đạt. Cụ thể, về năng lực tài chính sẽ yêu cầu nhà đầu tư có giá trị tài sản ròng của năm tài chính 2019 tối thiểu đạt 425,91 tỷ đồng.
Về kinh nghiệm, Dự án yêu cầu nhà đầu tư phải có kinh nghiệm thực hiện dự án trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ theo hình thức PPP mà nhà đầu tư tham gia với vai trò góp vốn đầu tư có tổng mức đầu tư tối thiểu 1.600 tỷ đồng, phần giá trị vốn chủ sở hữu tối thiểu là 425,91 tỷ đồng và dự án đang trong giai đoạn vận hành hoặc đã kết thúc trong vòng 10 năm gần đây, kể từ năm 2011 đến thời điểm đóng thầu.
Huy Đức