Thu hút vốn FDI trong quý I/2023 chỉ đạt 61,2% so với cùng kỳ

Nguyên nhân khiến việc thu hút vốn FDI có dấu hiệu chững lại do tình hình lạm phát gia tăng, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới cũng như trong nước.

Thu hút vốn FDI trong quý I/2023 chỉ đạt 61,2% so với cùng kỳ - Ảnh 1

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) nguyên nhân của sự sụt giảm này là do trong 3 tháng cuối năm 2022 có sự gia tăng đột biến với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án LEGO, với tổng vốn đăng ký 1,32 tỷ USD. Riêng dự án này đã chiếm tới 41% tổng vốn đăng ký mới trong 3 tháng năm 2022.

Trong khi đó, giá trị góp vốn, mua cổ phần, theo Cục Đầu tư nước ngoài, cũng giảm và vốn điều chỉnh chưa được cải thiện nhiều so với 2 tháng. Tuy nhiên, số dự án đầu tư mới và số lượt dự án điều chỉnh vốn vẫn tăng so với cùng kỳ.

Xét theo ngành, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài khi dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 4 tỷ USD, chiếm 73% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 766 triệu USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, nhưng giảm tới 71,6% so với cùng kỳ.

Cũng trong 3 tháng đầu năm, có 440 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt gần 797,9 triệu USD, tăng 10% về số lượt và tăng 3,7% về số vốn so với cùng kỳ.

Không chỉ vốn đăng ký giảm, mà số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài cũng giảm so với cùng kỳ, đạt 4,3 tỷ USD, giảm 2,2%. Mức giảm này cũng đã cải thiện so với 2 tháng đầu năm.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong quý I/2023 các khu công nghiệp trên địa bàn thu hút được 4 dự án đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư quy đổi hơn 35,44 triệu USD, tổng số đất sử dụng gần 11 ha.

Trong đó, có 3 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì 1 dự án đầu tư trong nước. Ngoài ra, trong quý I/2023, có 12 dự án trong các khu công nghiệp tăng thêm vốn, với 6.651 tỷ đồng (3 dự án trong nước) và hơn 66 triệu USD (9 dự án FDI). Tính đến ngày 14/3, tại các khu công nghiệp của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 553 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng diện đất cho thuê là 3.389 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 55,82%.

Thu hút vốn FDI trong quý I/2023 chỉ đạt 61,2% so với cùng kỳ - Ảnh 2

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nguyên nhân khiến tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp có dấu hiệu chững lại do tình hình lạm phát gia tăng, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới cũng như trong nước. Các nhà đầu tư trong năm 2023 vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh thu sụt giảm do đó nguồn vốn đầu tư bị hạn hẹp…

Tại Bình Thuận, trong tháng 2/2023, có 3 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 84 tỷ đồng; có 2 dự án điều chỉnh trong đó có 1 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng.

Đáng chú ý, từ ngày 15/1 - 14/2, Bình Thuận chỉ có 43 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 10,42% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký mới 182 tỷ đồng, giảm 56,21%; số doanh nghiệp giải thể là 11; tạm ngừng hoạt động 18 doanh nghiệp; quay trở lại hoạt động 6 doanh nghiệp. Lũy kế 2 tháng năm 2023 có 90 doanh nghiệp thành lập mới, giảm gần 24% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký hơn 1.385 tỷ đồng.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tỷ trọng vốn đầu tư mới trong tổng vốn đăng ký tăng lên (chiếm hơn 55,5% so với 36% cùng kỳ năm 2022), trong khi tỷ trọng vốn đầu tư điều chỉnh giảm đi (chiếm 22,2% so với 45,6% trong cùng kỳ). Tỷ trọng góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng nhẹ từ 18,3% trong 3 tháng năm 2022 lên 22,3% trong 3 tháng năm 2023.