Trong sáu tháng đầu năm, tình hình sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp; giá thức ăn, thuốc thú y tăng cao; dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Song được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT, sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân trong toàn tỉnh nên phát triển chăn nuôi vẫn đạt những kết quả quan trọng.
Tính đến tháng sáu, tổng đàn lợn của tỉnh đạt hơn 681.000 con, đứng thứ 3 so với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, đạt 97,3% so với kế hoạch năm 2021; tổng đàn gia cầm đạt 15,78 triệu con, đứng thứ 2 so với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, đạt 99,8% so với kế hoạch năm 2021; đàn bò đạt trên 105.000 con đạt 93,1% so với kế hoạch năm; đàn trâu đạt 56.700 con, đạt 96,3% so với kế hoạch năm 2021. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 99.300 tấn, trong đó xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh khoảng 75%; sản lượng trứng đạt 231,7 triệu quả.
Toàn tỉnh có tổng số hơn 1.300 trang trại chăn nuôi, gồm các trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm, trâu, bò. Tỷ lệ đàn lợn chăn nuôi tại các trang trại chiếm khoảng 35% tổng đàn; tổng đàn gia cầm chăn nuôi tại các trang trại đạt 25% tổng đàn. Công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, môi trường chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi của tỉnh được triển khai hiệu quả. Các ổ dịch phát sinh rải rác, nhỏ lẻ được khống chế nhanh gọn. Toàn tỉnh đã hoàn thành công tác tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi đợt 1.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Mặc dù hiện nay ngành Nông nghiệp tỉnh đã phát triển toàn diện, chăn nuôi có nhiều chuyển biến mạnh mẽ nhưng còn khó khăn như: Chưa hình thành được chuỗi chăn nuôi theo hướng liên kết; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chưa nhiều; kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ còn nhiều hạn chế…
Đồng chí mong muốn Bộ NN&PTNT xây dựng và triển khai phần mềm quản lý chăn nuôi thú y trên cả nước để tăng cường số hóa trong hoạt động chăn nuôi thú y; sớm có quy định về Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông để tăng cường kiểm soát, hạn chế lây lan dịch bệnh; tiếp tục định hướng cho tỉnh trong phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và thủy sản theo hướng an toàn, bền vững; hỗ trợ quy hoạch chăn nuôi và xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ tập trung, tiêu thụ sản phẩm...
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Phú Thọ là một trong những tỉnh trung du miền núi phía Bắc có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp sinh thái nói chung và phát triển chăn nuôi nói riêng. Trong những năm gần đây, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn 2045 theo Quyết định 1520/QĐ-TTg, ngày 06/10/2020 của Chính phủ, Phú Thọ cần xây dựng kế hoạch, quy hoạch cụ thể về tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong quy hoạch, cần xác định rõ tiềm năng lợi thế, chú trọng tái cơ cấu trên các lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi khép kín và có tầm nhìn chiến lược.
Phát triển chăn nuôi góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp nhưng cần giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá của địa phương. Đối với công tác thú y, đồng chí lưu ý Phú Thọ không được chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi; cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng dịch cho vật nuôi; chú trọng công tác truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương; xây dựng các cơ sở giết mổ động vật đảm bảo an toàn…Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã cho ý kiến về những kiến nghị của tỉnh.
Trước đó, đồng chí Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã đi thăm mô hình chăn nuôi bò 3B ở hai xã Bằng Giã và Lang Sơn, huyện Hạ Hòa./.
Sơn Thủy