Cụ thể trong tháng 9/2023, Chi cục Thuế TP.Huế có quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn đối với Công ty TNHH MTV Xây dựng và Đầu tư Thắng Gia Lộc (26 Hà Huy Tập, thành phố Huế; Mã số thuế: 3301625554).
Lý do là bởi Công ty Một Thành Viên Xây dựng và Đầu tư Thắng Gia Lộc có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Số tiền bị cưỡng chế hơn 373 triệu đồng.
Cùng lý do trên, Chi cục Thuế TP.Huế cũng ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn đối với Công ty TNHH MTV Đỗ Phương Phương (Nhà B.19 Kiệt 44 Hồ Đắc Di, thành phố Huế; Mã số thuế: 3301594803). Số tiền bị cưỡng chế trên 130 triệu đồng; Công ty TNHH MTV Xây dựng Tiến Nhật (61 Trường Chinh, thành phố Huế; Mã số thuế: 3301589218). Số tiền bị cưỡng chế trên 151 triệu đồng; Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Dinh dưỡng Sức Sống Mới (48E Nguyễn Huệ, thành phố Huế; Mã số thuế: 330162200). Số tiền bị cưỡng chế trên 184 triệu đồng...
Tổng cục Thuế cho biết đối với người nộp thuế chỉ có tiền thuế nợ dưới 90 ngày, đã yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện ngay các biện pháp (gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, mời lên làm việc, ban hành thông báo tiền thuế nợ) đôn đốc người nộp thuế nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh.
Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp phải cưỡng chế, các cục thuế phải áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước; Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước thì phải kịp thời chuyển sang áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế địa phương thực hiện công khai thông tin của người nộp thuế có tiền thuế nợ quá hạn theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt tập trung vào người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn và kéo dài./.
Bùi Quốc Dũng