Thuận lợi và khó khăn trong sản xuất chè hữu cơ tại Thái Nguyên

Hiện nay, Thái Nguyên là một trong những tỉnh có diện tích, sản lượng chè lớn nhất cả nước với hơn 22.000ha, sản lượng chè tươi đạt hơn 260 nghìn tấn. Đây là cây trồng thế mạnh, chủ lực, làm giàu cho người nông dân. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh mới có 65ha được cấp chứng nhận hữu cơ. Điều đó cho thấy vấn đề nhân rộng diện tích chè hữu cơ đang gặp không ít khó khăn.

Một phần vùng nguyên liệu chè (trà) hữu cơ của HTX trà an toàn Phú Đô tại xóm Phú Thọ, Phú Đô, Phú Lương (Thái Nguyên).
Một phần vùng nguyên liệu chè (trà) hữu cơ của HTX trà an toàn Phú Đô tại xóm Phú Thọ, Phú Đô, Phú Lương (Thái Nguyên).

Nông nghiệp hữu cơ có thể được định nghĩa là một hệ thống quản lý và sản xuất nông nghiệp kết hợp mức độ đa dạng sinh học với các thực hành môi trường bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Hơn nữa, canh tác hữu cơ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tự nhiên và đồng thời cho phép bảo vệ môi trường trong bối cảnh cần phát triển nông thôn bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu.

Chè là một trong những cây trồng đã được phát triển ở Việt Nam qua hàng trăm năm, có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế và an sinh xã hội, đặc biệt là với các khu vực trung du và miền núi, nơi đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn và thu nhập phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp.

Theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam có gần 123.000ha chè, được trồng tập trung chủ yếu ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và một phần ở tỉnh Lâm Đồng. Hàng năm, sản xuất chè và chuỗi ngành hàng này có giá trị xuất khẩu hơn 200 triệu USD, góp phần tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân ở các vùng nông thôn, trung du, miền núi.

Chè là cây trồng khá đặc biệt so với các loại cây trồng khác, mỗi năm cho thu hoạch từ 7 - 8 lứa, sản phẩm thu hoạch chủ yếu là búp chè, được sử dụng để chế biến khô thành các sản phẩm trà búp, trà tôm nõn, trà đinh, trà hoa, trà lá và các sản phẩm kẹo từ trà... Theo phương pháp canh tác truyền thống phổ biến hiện nay, trước mỗi lứa thu hoạch, nhằm đảm bảo năng suất và hạn chế sâu bệnh phá hoại, cây chè thường được phun hoặc bón các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu bệnh hóa học làm tiềm ẩn và tăng nguy cơ cho sức khỏe môi trường và con người.

Thực tiễn sản xuất chè (trà) cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần được tháo gỡ như thói quen chăm sóc, việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ và phân hoá học của người dân chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật canh tác,  mặc dù biết sử dụng phân, thuốc hóa học sẽ có hại, nhưng vì nhanh, hiệu quả trước mắt, cũng như thiếu tính chung thực, thiếu kỷ luật, thiếu tính lâu dài, thiếu độ kiên trì … của người nông dân, nên thường bị ngưng trệ  trong quá trình chuyển hướng từ sản xuất từ truyền thống sang hữu cơ.

Vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân khi chuyển sang sản xuất hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn như việc bà con còn hạn chế về mặt định vị giá thành sản phẩm, thiếu khả năng đánh giá chất lượng một cách khách quan độc lập nên giữa HTX và bà con khó tìm được điểm chung để thống nhất giá bán nguyên liệu và cơ chế, chính sách…. Cùng với đó, chè được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam ban đầu nếu làm không tốt, thiếu kiến thức về kỹ thuật, thiếu tính sáng tạo, linh hoạt trong điều chỉnh chế độ dinh dưỡng sẽ dẫn tới tụt giảm sản lượng, chất lượng chè (trà) làm ảnh hưởng đến tư tưởng, thu nhập của bà con trong một giai đoạn nhất định.

Các nương chè của người dân manh mún, thiếu tập trung nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác hữu cơ, cũng như các nương chè gần bìa rừng, thửa ruộng sẽ bị sâu bệnh gây hại tấn công vì thiếu vùng đệm… việc hoàn thiện hồ sơ cấp chứng nhận hữu cơ qua đó cùng gặp nhiều khó khăn.

Vấn đề cần được đặt ra về mặt quy hoạch, quản lý của nhà nước là quy hoạch quy mô vùng nguyên liệu đáp ứng được nhu cầu của xuất khẩu, thị trường, việc quy hoạch cũng như mở rộng các vùng trồng chè cần đáp ứng theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Trong những năm gần đây, thu nhập, đời sống của người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao, người tiêu dùng giành sự quan tâm và đòi hỏi cao hơn về nguồn gốc và chất lượng thực phẩm, đặc biệt là đồ uống. Cho thấy xu hướng tiêu dùng xanh, sạch tăng cao đã mở ra cơ hội cho các sản phẩm hữu cơ, có nguồn gốc rõ ràng.

Trên thực tế, việc tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ thường tương quan với lối sống lành mạnh hơn của những người theo chế độ ăn uống tốt hơn, luyện tập thể thao, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe hoặc có mức sống cao hơn.  Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng những lợi ích sức khỏe của việc tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ là hiện hữu.

Canh tác hữu cơ cũng có một số lợi ích đối với môi trường. Đầu tiên rõ ràng là nó làm giảm số lượng thuốc trừ sâu được sử dụng đồng thời chuyển từ gốc hóa học sang sinh học, thảo mộc. Bởi vì một số nguyên liệu đầu vào cái gọi là “nguồn gốc tự nhiên” được cho phép. Do đó, canh tác hữu cơ làm giảm tác hại tiềm tàng của thuốc trừ sâu hóa học đối với sự đa dạng sinh học  và  hệ sinh thái.

Ngoài ra, việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ thân thiện với môi trường còn tạo ra cơ hội để phát triển các hoạt động trải nghiệm, giáo dục, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, từ đó góp phần quảng bá mô hình canh tác này, cũng như thương hiệu trà làm gia tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất chè (trà).

Canh tác hữu cơ tại HTX trà an toàn Phú Đô cho thấy đất màu mỡ, có nhiều vi sinh vật đăc biệt là giun đất.
Canh tác hữu cơ tại HTX trà an toàn Phú Đô cho thấy đất màu mỡ, có nhiều vi sinh vật đăc biệt là giun đất.
Thuận lợi và khó khăn trong sản xuất chè hữu cơ tại Thái Nguyên - Ảnh 1
Cảnh quan đẹp, không khí trong lành, trên nương chè (trà) xanh là địa điểm lý tưởng cho du khách yêu thích khám phá, checkin và thưởng trà khi đến thăm HTX trà an toàn Phú Đô.
Cảnh quan đẹp, không khí trong lành, trên nương chè (trà) xanh là địa điểm lý tưởng cho du khách yêu thích khám phá, checkin và thưởng trà khi đến thăm HTX trà an toàn Phú Đô.

Mô hình tiên phong trong sản xuất chè hữu cơ của HTX trà an toàn Phú Đô tại xã Phú Đô của huyện Phú Lương (Thái Nguyên) là điểm sáng trong bức tranh sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Được chuyên gia T.S Đinh Văn Thành trực tiếp tư vấn quy trình canh tác hữu cơ trong những năm qua đã mang lại vùng nguyên liệu tươi tốt và những sản phẩm trà cao cấp cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, để mở rộng vùng nguyên liệu đáp ứng được yêu cầu sản xuất hữu cơ quy mô lớn phục vụ cho xuất khẩu qua một số những khó khăn nêu trên thì đây là bài toán khó giải, cần sự chung tay của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, HTX và người dân trong thời gian tới để nông nghiệp hữu cơ nói chung và thương hiệu Trà Phú Đô nói riêng phát triển vươn xa hơn nữa.

HOÀNG TUẤN