Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Cần tăng cường thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp để đem lại giá trị cho sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Sự phát triển này giúp tăng chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp, biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguyên liệu có giá trị và hướng tới sự phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay đang là xu thế chung để phát triển kinh tế xanh và bền vững. Thực tế tại nước ta, hiện nay, đã có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Đó là các mô hình: Tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; mô hình nông – lâm kết hợp; mô hình vườn – rừng; mô hình tuần hoàn lấy phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị khác; mô hình tiết chế hóa, gắn liền với việc hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi.

Trong đó, một số mô hình cụ thể đang triển khai và mang lại hiệu quả như: mô hình vườn – ao – chuồng; mô hình lúa – tôm, lúa – cá. Mô hình trồng lúa – trồng nấm – sản xuất phân hữu cơ – trồng cây ăn quả; mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; mô hình sản xuất tổng hợp bò – trùn quế - cỏ, ngô – gia súc, gia cầm – cá; mô hình thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước,…

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp - Ảnh 1

Hiện nay, phát triển kinh tế tuần hoàn đang mang lại nhiều giá trị cho sản xuất nông nghiệp bằng cách giúp giải quyết sự khan hiếm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại Việt Nam, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn góp phần phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững. Kết hợp với công nghệ cao và chuyển đổi sang thế giới số, phát triển kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn để nâng cao hiệu quả tăng trưởng so với phương thức tăng trưởng truyền thống.

Mặc dù việc triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại Việt Nam có nhiều lợi ích, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất khiêm tốn. Các mô hình tái chế và tận thu phế phụ phẩm cũng chưa được phát triển do Luật pháp và khung chính sách chưa hoàn thiện. Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế, đặc biệt là trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa tận dụng hết tiềm năng từ các nguồn nguyên liệu phế phụ phẩm lớn trong ngành nông nghiệp.

Theo thống kê, ngành nông nghiệp có nguồn phế phụ phẩm vô cùng lớn với khoảng 156,8 triệu tấn tổng sản lượng phụ phẩm. Trong đó, đối với ngành hàng lúa, khối lượng phụ phẩm ước tính 47 triệu tấn rơm rạ, 8,6 triệu tấn tro trấu, 5,6 triệu tấn cám. Đối với tôm, khối lượng phụ phẩm ước đạt 314.944 triệu tấn. Với cá tra, khối lượng phụ phẩm ước đạt 994.000 tấn. Với trái cây, khối lượng phụ phẩm ước đạt 4.400.000 tấn,…

Trong khi đó, từ nguồn phế phụ phẩm này có thể sản xuất, chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị như: phế phụ phẩm từ lúa có thể sản xuất ra phân bón sinh học, thức ăn chăn nuôi, giá thể trồng nấm, đệm lót sinh học, đồ thủ công mỹ nghệ. Phụ phẩm từ tôm sản xuất ra được chiết suất, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, dầu tôm, phân bón, năng lượng tái tạo. Phụ phẩm từ cá tra sản xuất ra được chiết xuất collagen, enzyme, phân bón, dầu cá, thức ăn chăn nuôi, năng lượng tái tạo,…

Mặc dù vậy, thực tế hiện nay, tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt mới đạt 52,2%, ngành chăn nuôi đạt 75,1%; lâm nghiệp là 50,2% và thủy sản là 90%.

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nước ta hiện nay chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng của Việt Nam. Tỷ lệ thu, tái chế phụ phầm còn quá thấp. Trong khi đó, phụ phẩm nông nghiệp cần được coi là nguồn tài nguyên tái tạo, là đầu vào quan trọng của quá trình tuần hoàn khác nhằm kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Thực tế, còn một lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp đang chưa được xử lý, thải ra môi trường vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp - Ảnh 2

Bên cạnh đó, năng lực ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh tế tuần hoàn còn hạn chế khi hoạt động nghiên cứu và phát triển công tác này còn hạn chế trong các doanh nghiệp; sự gắn kết giữa các tổ chức với các trường đại học và các doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế trong việc đổi mới công nghệ, ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ số...

Theo TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT, để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cần xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách khuyến khích. Các chính sách này có thể bao gồm ưu đãi cho các mô hình kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, và thí điểm Quỹ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

Việc thúc đẩy liên kết và hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Việc tăng cường liên kết, hợp tác giữa tổ chức khoa học công nghệ với doanh nghiệp và người sản xuất là cần thiết để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và đổi mới công nghệ. Hơn nữa, việc tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là trong xử lý phế phẩm cũng là rất quan trọng. Cuối cùng, việc đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế trong tổ chức đào tạo và tăng cường năng lực cho cán bộ, doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu cũng là điều cần thiết.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty Quế Lâm cho rằng, trong sản xuất kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, công tác truyền thông là công tác cực kỳ quan trọng. Do đó, cần đẩy mạnh công tác này, bởi nếu không có truyền thông sẽ không ai hiểu được cách thức, đường đi…của kinh tế tuần hoàn.

Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, cần xây dựng chương trình và tổ chức các lớp tập huấn nâng cao cho các cán bộ nghiên cứu, các đơn vị sản xuất kinh doanh về các mô hình ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, phế, phụ phẩm trong nông nghiệp. Xây dựng giáo trình về kinh tế tuần hoàn trong vực nông nghiệp và đưa vào các chương trình học tập cho sinh viên.

Đặc biệt là thúc đẩy số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu về kinh tế tuần hoàn. Trong đó, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu về kinh tế tuần hoàn giúp theo dõi mức độ tuần hoàn của nền kinh tế. Theo dõi, cập nhật hệ thống các công nghệ mới trong nước và thế giới để kịp thời cung cấp cho các tổ chức, cá nhân tham gia triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn,…

Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Đồng thời, góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, việc thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là điều cần thiết. Chính vì vậy, chúng ta cần triển khai các giải pháp đồng bộ và thiết thực để đẩy mạnh hơn nữa mô hình kinh tế này. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người sản xuất, doanh nghiệp,…trong phát triển kinh tế tuần hoàn, để từ đó, nhận thấy rõ được những lợi ích mà kinh tế tuần hoàn mang lại về kinh tế, về môi trường. Việc tuyên truyền cần được triển khai thường xuyên và sâu rộng nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong vấn đề này.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, giới thiệu và nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Từ đó, nhân rộng, lan tỏa các mô hình này trong sản xuất. Đồng thời, tạo cơ hội cho việc phát triển thêm các mô hình mới trong phát triển kinh tế tuần hoàn nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới áp dụng trong kinh tế tuần hoàn. Vấn đề này cần tiếp tục được Nhà nước và các doanh nghiệp cùng tiếp tục quan tâm, triển khai để giúp biến các phụ phẩm nông nghiệp ngày càng trở nên có giá trị hơn. Cùng với đó, có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp….

Việc triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp không phải là điều mới mẻ, tuy nhiên, với những giá trị mang lại cho sản xuất nông nghiệp, môi trường cho thấy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa, để từ đây, tiếp tục gia tăng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp, đưa nguồn phụ phẩm nông nghiệp ngày càng trở thành nguồn nguyên liệu có giá trị và đặc biệt là hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Bảo An (t/h)