Thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử, giảm gánh lo đầu ra

Trong khi nông sản ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới đang rơi vào cảnh phải quay đầu tiêu thụ nội địa hoặc đổ bỏ, thì việc đẩy mạnh vào các sàn thương mại điện tử được xem là giải pháp tối ưu về chi phí. Nhằm giúp các doanh nghiệp Việt tiến gần hơn với việc xúc tiến thương mại, đa dạng thị trường, tiếp cận với những thị trường cao hơn.

Đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử đang được xem là một xu hướng tất yếu, giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, HTX và nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm chi phí sản xuất, thông tin đầy đủ, rộng rãi sản phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) trong năm 2021, hai sàn TMĐT của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) là Postmart.vn và sàn TMĐT Voso của Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã đưa hơn 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT để mở ra một kênh tiêu thụ mới cho nông sản, đặc sản cho bà con nông dân trên toàn quốc.

Đáng chú ý, đã có hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang Đức và là lần đầu tiên nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới, trên nền tảng thương mại điện tử Vỏ Sò (Voso.vn) do doanh nghiệp Việt Nam phát triển, vận hành. Ngoài ra, Vietnam Post cũng phối hợp với các đối tác xuất khẩu 80 tấn vải thiều sang các thị trường Nhật Bản, Australia… Đây là kết quả của việc từng bước phát triển ứng dụng TMĐT xuyên biên giới cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình 1034 do Bộ TTTT ban hành năm 2021 và thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp qua kênh TMĐT, Bộ TTTT đã ban hành Kế hoạch Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn năm 2022. Kế hoạch đặt ra mục tiêu đưa 10 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn nhằm gia tăng các giá trị, thương hiệu nông sản trên sàn TMĐT thuần Việt.

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử, giảm gánh lo đầu ra - Ảnh 1

Để triển khai chiến lược có hiệu quả, Bộ TTTT đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Hội và Hiệp hội tổ chức nhiều hội nghị cũng như những khoá đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến cho các hộ sản xuất nông nghiệp tiếp cận phương thức kinh doanh mới trên môi trường số.

Đơn cử, ngày 18/3/2022 tới, dưới sự chủ trì của UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Tổ công tác 1034 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh Thái Nguyên và Viettel tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) tham gia sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử, giảm gánh lo đầu ra - Ảnh 2

Hội nghị thúc đẩy tiêu thụ nông sản tỉnh Thái Nguyên diễn ra trong 2 ngày với các diễn giả là các chuyên gia của ngành Nông nghiệp, Công Thương tại địa phương và Bộ TTTT, Vietnam Post và Viettel Post. Hội nghị đưa đến người nông dân những thông tin chính thống và các kinh nghiệm trong xây dựng nông nghiệp số tại Việt Nam cũng như bức tranh toàn cảnh của nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp trong tương lai, kết nối hạ tầng logistics, hệ sinh thái số của các doanh nghiệp Bưu chính phục vụ phát triển nông nghiệp số…

Cùng với việc tổ chức hội nghị, trong ngày thứ 2 của chương trình, các chuyên gia của Tổ công tác 1034 Bộ TTTT cũng tổ chức lớp đào tạo trực tiếp cho các hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp các phương thức kinh doanh số trên sàn TMĐT cũng như trên môi trường internet, cụ thể là phương thức mở gian hàng trên sàn TMĐT, cách livestream, chốt đơn, thanh toán điện tử, hoàn thiện đơn hàng, đối soát, quản lý thu chi...

Thời gian tới, nhiều sản phẩm như chè Tân Cương, Bánh chưng Bờ Đậu, Cơm lam Định Hóa, Trám đen Hà Châu, Tương nếp Úc Kỳ, Đậu phụ Bình Long, Nem chua Đại Từ, ... sẽ được lên sàn TMĐT, qua đó tạo thói quen tiêu dùng cho người dân cũng như mở ra kênh giao thương hiện đại để các đặc sản nhanh chóng đến tay người tiêu dùng trên cả nước từ đó đẩy mạnh thương hiệu sản phẩm nông nghiệp và góp phần phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam.

 

Bảo Anh (t/h)

Từ khóa: