Phạm vi áp dụng của Chương trình bao gồm 287 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thuộc 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là những địa bàn gặp nhiều khó khăn về vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở, trình độ lao động và quy mô thị trường.
Hội thảo được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), góp phần hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp về vai trò quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin, TMĐT trong giai đoạn hiện nay.
Hội thảo đã cung cấp thông tin về tình hình tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền trên sàn TMĐT, những khó khăn, vướng mắc trong việc đưa sản phẩm đặc sản miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo lên sàn TMĐT. Đồng thời, Hội thảo cũng đưa ra một số giải pháp và định hướng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền trên các sàn TMĐT nhằm khẳng định chỗ đứng của các sản phẩm này trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Theo ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), công tác xúc tiến thương mại trên nhiều kênh phân phối, trong đó có thương mại điện tử, đối với các sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền thời gian qua đã được triển khai tích cực, có sự tham gia tích cực của các đơn vị chức năng Bộ Công Thương, đặc biệt Vụ Thị trường trong nước.
Nhờ đó, các sản phẩm này được tiêu thụ khá tốt ngay tại thị trường trong nước, thậm chí xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Việc đẩy mạnh tuyên truyền, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trên sàn thương mại điện tử sẽ giúp góp phần mở thị trường tiêu thụ các sản phẩm này tới với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Đại diện các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, kinh doanh sản phẩm vùng miền đã chia sẻ thông tin, thảo luận kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT trong nước và quốc tế, đồng thời bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý tiếp tục triển khai các hình thức, giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp để phát huy đầy đủ hiệu quả của các kênh TMĐT nhằm kết nối hiệu quả các sản phẩm hàng hóa khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tới gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, hỗ trợ hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm vùng miền của các doanh nghiệp.
Cũng trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc kết nối xúc tiến giao thương các sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo lên sàn TMĐT.
Trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực này, việc tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, TMĐT trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng. Đây là yếu tố cần thiết để kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập của người dân.
Hoàng Nhung