Thực phẩm Sao Ta (FMC) rót vốn mở rộng thêm 203 ha đất nuôi tôm

Được biết, Công ty TNHH Vĩnh Thuận có vốn điều lệ 21 tỷ đồng. Trong đó, ông Quách Hoàng Phong sở hữu 72,38% vốn điều lệ và bà Hồng Thị Oanh sở hữu 27,62% vốn điều lệ.

Thực phẩm Sao Ta (FMC) rót vốn mở rộng thêm 203 ha đất nuôi tôm - Ảnh 1

Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) – đơn vị thành viên Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) công bố nghị quyết HĐQT đầu tư vào Công ty TNHH Vĩnh Thuận để mở rộng vùng nuôi tôm. 

Theo đó, giai đoạn 1, Công ty dự kiến chi 90 tỷ đồng nhận chuyển nhượng 95,24% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Vĩnh Thuận từ hai cá nhân là ông Quách Hoàng Phong và bà Hồng Thị Oanh, giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2022.

Giai đoạn 2, Công ty tiếp tục chi ra 20 tỷ đồng để nâng sở hữu lên 100% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Vĩnh Thuận, dự kiến hoàn thành trước tháng 6/2023.

Được biết, Công ty TNHH Vĩnh Thuận có vốn điều lệ 21 tỷ đồng. Trong đó, ông Quách Hoàng Phong sở hữu 72,38% vốn điều lệ và bà Hồng Thị Oanh sở hữu 27,62% vốn điều lệ.

Công ty TNHH Vĩnh Thuận được thành lập năm 2002, địa chỉ tại Ấp Khóm biển trên, Phường Vĩnh Phước, Thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng và hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nội địa.

FMC cho biết mục đích thâu tóm để mở rộng thêm hơn 203 ha đất nuôi tôm để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất.

Tổng vốn thực hiện thâu tóm và góp thêm vào của thương vụ này là 200 tỷ đồng. Trong đó, chia thâu tóm 110 tỷ đồng và góp thêm vốn 90 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ từ 21 tỷ đồng lên 111 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đánh giá nhu cầu về thủy sản nói chung và tôm nói riêng sẽ tăng khi dịch Covid-19 được kiểm soát ở các thị trường nhập khẩu. Đồng thời, Covid-19 làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, xu hướng chuộng sản phẩm tiện dụng chế biến sẵn, đóng gói nhỏ. Xu thế này phù hợp với định hướng, năng lực chế biến và thế mạnh của Sao Ta.

Tuy nhiên, xét đến việc nuôi tôm, đặt trong tương quan với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan, ngành nuôi tôm Việt Nam còn nhiều vấn đề quan tâm để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh mà vẫn kiểm soát chất lượng. Các nước này có chính sách phát triển mạnh ngành tôm nên xu thế nguồn cung tôm thế giới sẽ tăng. Tôm Ecuador, Ấn Độ có lợi thế giá rẻ đang chiếm lĩnh nhiều thị trường quốc tế, tôm Indonesia không bị áp thuế ở thị trường Mỹ, tôm Thái Lan không bị kiểm tra nghiêm ngặt ở thị trường Nhật… tạo áp lực cạnh tranh lên tôm Việt.

Ở một diễn biến khác, FMC cho biết trong quý II/2022, hoạt động chế biến xuất khẩu và nuôi tôm đều đang diễn ra suôn sẻ với nhiều tín hiệu tốt, khả năng quý II sẽ vượt mức lợi nhuận ít ra 20% so với cùng kỳ năm ngoái, là nền tảng vững chắc cho việc hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2022.

Riêng tháng 4, tôm thành phẩm chế biến của FMC đạt 1.742 tấn, bằng 108% so cùng kỳ năm trước. Nông sản thành phẩm đạt 233 tấn, bằng 228% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng trưởng mạnh do Nhà máy Tam An đã đi vào hoạt động. Theo đó, doanh số chung đạt 18,9 triệu USD bằng 110% so cùng kỳ năm trước.