Được biết, tổng diện tích chè toàn tỉnh đến hết năm 2018 là 20.818,3ha, diện tích cho thu hoạch 18.759,8ha, sản lượng 71.779,7ha; năng suất năm 2018 chè búp tươi đạt 38,6 tạ/ha; sản lượng từ năm 2015 đến nay tương đối ổn định, năm 2018 tổng sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh đạt 71.779,7 tấn và được trồng tại 11 huyện, thành phố tập trung chủ yếu ở 5 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần chiếm 90% diện tích chè toàn tỉnh.
Được biết, diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn GAP toàn tỉnh hiện có 9.337,5ha. Mục tiêu đến năm 2020 có 16.074,2ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, trong đó, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap là 10.828,2 ha và diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ 6.316ha được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho “Chè Shan tuyết” Hà Giang.
Về giống chè trên địa bàn tỉnh Hà Giang, cơ cấu giống chè hiện nay chủ yếu là 2 nhóm giống chè chính gồm chè Shan tuyết và chè Trung Du, trong đó giống chè Shan tuyết chiếm tới trên 90% diện tích gồm 2 giống Shan tuyết là to và Shan tuyết lá nhỏ. Tuy nhiên vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng, năng suất của cây chè Shan tuyết, nguyên nhân là do trồng, chăm sóc chè Shan thường gắn liền với tập tục của đồng bào các dân tộc vùng cao với đặc điểm gần như là khai thác tự nhiên, không có đầu tư thâm canh.
Cùng với đó, về chế biến toàn tỉnh có 2 Công ty cổ phần; 6 Công ty - Doanh nghiệp; trên 20 HTX đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh và trên 500 cơ sở chế biến nhỏ. Hiện nay đã có một số nhà máy chế biến như Công ty Cổ phần chè Hùng An, Công ty CP Bách San, Công ty TNHH thương mại Hùng Cường, Công ty CP Hoàng Long đã đầu tư lắp đặt dây chuyền công nghệ cao, có công xuất lớn, sản xuất ra các sản phẩm chè có chất lượng tốt được thị trường trong nước và ngoài nước chấp thuận.
Các cơ sở chế biến chè bước đầu đã chú trọng việc đăng ký nhãn mác, thương hiệu nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm mở rộng thị trường. Việc thực hiện đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm chè của các cơ sở trên địa bàn tỉnh còn hạn chế mới thực hiện được ở Công ty TNHH Hùng Cường. Một số doanh nghiệp khác mới thực hiện được đăng ký nhãn mác như: Chè Hùng An của Công ty CP chè Hùng An; Chè Thượng Sơn của Công ty TNHH Thành Sơn…
Về tiêu thụ sản phẩm giá chè búp tươi năm 2018 ổn định hơn năm trước, giá chè búp các huyện vùng thấp từ 4.000 - 5.000 đ/kg; 2 huyện phía Tây và các xã vùng cao (Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình) giá chè búp tươi 15.000 - 18.000 đ/kg. Tuy nhiên, giá chè có tăng nhưng so với các tỉnh trong khu vực vẫn thấp, vì vậy đã ảnh hưởng đến tâm lý người chồng chè, người dân hạn chế thậm chí không đầu tư vào chăm sóc dẫn đến các cơ sở chế biến bị thiếu nguyên liệu…
Sản phẩm chè Shan tuyết được người tiêu dùng đánh giá cao chất lượng và được biết đến ở nhiều nơi, ngoài tiêu thị tại các thị trường lớn trong nước (như tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…), chè Shan tuyết Hà Giang cũng đã có mặt tại 3 châu (Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ) trên 20 quốc gia.
Bên cạnh đó, diện tích sản lượng chè Shan tuyến lá to (chất lượng cao) Hà Giang là tỉnh có diện tích chè Shan lớn nhất cả nước. Tính đến năm 2018, diện tích chè Shan toàn tỉnh có 18.726,3ha chiếm 90% diện tích chè toàn tỉnh. Cây chè Shan tuyết được phân bố 5 huyện và một số xã vùng cao của 3 huyện (Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên) 2 huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần có diện tích tập trung chè Shan lớn nhất của tỉnh.
Chè Shan tuyết ở Hà Giang là loại chè sạch, được trồng ở độ cao so với mực nước biển từ 800m trở lên, nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm, tại đây cây chè sinh trưởng tự nhiên, phát triển trong môi trường sạch, hoàn toàn không có tác nhân chăm sóc, là nguồn nguyên liệu tuyệt vời và quý hiếm cho ấm chè đặc sản. Những cây chè Shan tuyết tại Hà Giang thường là những cây chè cổ thụ, rất to có tuổi đời vài chục năm hay đến hàng trăm năm và được các nhà khoa học đánh giá là một trong những thủy tổ của cây chè, mang nhiều nguồn gen quý.
Sơn Thủy - Xuân Sỹ