Cây chè bén duyên với vùng đất sơn cước từ những năm 60 của thế kỉ trước, khi người Thái Bình lên phát triển kinh tế và đem theo cây chè lên trồng. Ngày nay, khi đến thăm xã Phổng Lái, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp với những nương chè xanh trải dài bát ngát. Xã Phổng Lái hiện đang có gần 700 ha chè trên địa bàn và phát triển với hai loại chè chính là chè Olong và chè xanh. Do thích hợp với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương cùng với việc áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, sản xuất, chế biến nghiêm ngặt mà sản phẩm chè trồng tại huyện Thuận Châu có nhiều điểm khác biệt và ưu thế hơn với chè của địa phương khác, nước có màu xanh tự nhiên, hương thơm nhẹ nhàng, vị đậm chất dịu.
Giá trị to lớn của chè Phổng Lái Thuận Châu
Giá trị đối với sức khỏe: Chè Olong qua bàn tay nâng niu, chắt chiu của người dân mang hương vị độc đáo của núi rừng Tây Bắc. Các thành phần dinh dưỡng có trong chè Olong có những tác dụng đặc biệt tốt cho sức khoẻ. Quá trình bán lên men giúp chè giữ được hàm lượng Polyphanol, giúp ngăn ngừa các gốc tự nhiên, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Hơn nữa, những thành phần tự nhiên trong chè có khả năng làm chậm tiến trình lão hóa giảm sự hình thành của tàn nhang và những nếp nhăn. Còn đối với chè xanh vốn là loại chè truyền thống của người Châu Á. Từ những đợt chè xanh non, qua những công đoạn chế biến cầu kì nhưng không qua công đoạn lên men để giữ được trọn vẹn hương vị thiên nhiên. Chè xanh có tính mát giúp giải nhiệt, thanh lọc cơ thể, đem lại tỉnh táo cho con người và hỗ trợ rất tốt cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, với hương vị đắng trước ngọt sau ở hậu vị uống rất ngon và rất dễ gây nghiện với người thưởng thức, khiến người cầm chén chè không thể ngừng nhâm nhi.
Giá trị phát triển kinh tế - xã hội: Cây chè đã góp phần giúp người Mông trong xã bỏ lối sống lạc hậu, sống định canh, định cư. Chị Lò Thị Hương - bản Nà Khoang, xã Chiềng Pha chia sẻ: “Do chúng tôi sử dụng phương pháp hái chè bằng tay truyền thống. Cứ tranh thủ nhàn rỗi tôi và bà con trong bản rủ nhau đi hái chè thuê có thêm thu nhập. Trung bình mỗi ngày thu được 50-60kg chè, thu nhập 100-150 nghìn đồng/ngày”.
Hơn thế, hiện nay đã có những hộ dân làm giàu được từ cây chè và trở thành những tỉ phú dưới chân đèo Pha Đìn như chị Nguyễn Thị Bình - Giám đốc HTX Chanh leo Thuận Châu, đồng thời là Phó Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận (xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu).
Giá trị về du lịch - văn hóa: Những nương chè xanh trải dài bát ngát cùng với hương sắc núi rừng Tây Bắc là nơi thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức và check in. Hình ảnh các cô, các chị vai đeo túi, đôi tay thoăn thoắt mà khéo léo hái những búp chè cũng đã thu hút được sụ tò mò và thích thú của khách du lịch muốn được tìm hiểu và trải nghiệm phương thức sản xuất chè. Qua đó, ngày càng có nhiều du khách nước ngoài yêu thích các sản phẩm ẩm thực của Tây Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung. Cây chè xã Phổng Lái đã góp một phần không nhỏ trong việc quảng bá văn hóa uống trà, một nét văn hóa rất riêng của nước ta đến với khách thập phương.
Những thách thức và khó khăn với chè Phổng lái Thuận Châu
Chè Phổng Lái đang rất khó khăn để tìm cho mình được vị trí thích hợp trên thị trường bởi thương hiệu chưa được biết đến nhiều. Thậm chí có thời điểm, để tiêu thụ trên thị trường mạnh hơn chè Phổng Lái còn phải đóng dưới bao bì, nhãn mác khác. Ngoài ra, các hộ dân đang còn chưa có những phương thức canh tác tiên tiến, kiến thức đang còn hạn hẹp nên năng suất chưa thực sự cao.
Tìm ra phương hướng đưa thương hiệu chè Phổng Lái vươn xa
UBND huyện Thuận Châu trong những năm qua luôn tích cực và quyết tâm tìm ra được phương án đưa thương hiệu chè Phổng Lái Thuận Châu được vươn xa hơn nữa. Tin vui vào năm 2018 khi chính quyền địa phương đã tổ chức sự kiện Ngày hội Nông sản năm 2018 và Công bố Quyết định nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phổng Lái Thuận Châu”. Sự kiện này đã mở ra cơ hội phát triển mới cho cây chè Phổng Lái. Bên cạnh đó, huyện Thuận Châu đã đưa ra những định hướng mang tính lâu dài như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để đồng bào các dân tộc trong huyện nói chung và xã Phổng Lái nói riêng hiểu, xác định cay chè là cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, dạy cho người dân những phương thức canh tác mới. Đồng thời, bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch; tiếp tục phát triển cây chè tại một số địa bàn hiện nay vẫn còn diện tích đất trồng.
Sản phẩm chè Phổng Lái đến nay không chỉ xây dựng cho mình một thương hiệu riêng mà còn đang ngày càng vươn lên phát triển hơn nữa trên thị trường và trở thành một trong những sản phẩm chủ lực, tiêu biểu theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đưa Phổng Lái thoát khỏi đói nghèo để từ đó trở thành một xã phát triển kinh tế nhất của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Nam Phong – Phương Phạm