Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mua bán tín chỉ giảm phát thải trên thị trường là phương pháp tiên tiến được ngày càng nhiều quốc gia triển khai, đã tạo ra thị trường carbon hay còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính. Đây là một loại hình thị trường mà hàng hóa được mua và bán trong thị trường là lượng khí nhà kính được cắt giảm hoặc hấp thu. Các bên tham gia mua/bán có thể là các doanh nghiệp trao đổi với nhau, hoặc giữa các tổ chức trong nước và các tổ chức quốc tế (có thể các tổ chức tài chính, hoặc doanh nghiệp).
Thực tế trong vài năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công những thương vụ bán tín chỉ carbon, thu “tiền tươi thóc thật” với giá trị lên đến khoảng 60 triệu USD. Trong đó, Chương trình Khí sinh học ngành chăn nuôi Việt Nam đã triển khai tại 53 tỉnh, đến nay đã có 181.683 công trình khí sinh học được xây dựng đã đem lại lợi ích cho 1 triệu người dân ở khu vực nông thôn.
Chương trình khí sinh học tại Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là đã đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính. Thông qua Chương trình khí sinh học, Việt Nam đã bán được 3.072.265 đơn vị tín chỉ carbon, thu về 8,1 triệu USD.
Đặc biệt trong năm 2023, lần đầu tiên ngành lâm nghiệp Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với đơn giá bán tín chỉ 5 USD/tấn carbon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng). WB đã thanh toán tiền ERPA đợt một cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 41,2 triệu USD (tương đương 997 tỷ đồng), đạt 80% kết quả giảm phát thải theo hợp đồng mua bán đã ký. Số tiền còn lại 10,3 triệu USD sẽ được thanh toán sau khi hoàn thành việc chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2 còn lại.
Ngày 21/3/2024, Ngân hàng Thế giới phát thông cáo công bố, Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh ("tín chỉ carbon") do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.
Khoản chi trả này đã được chuyển cho Việt Nam do giảm được 10,3 triệu tấn phát thải carbon cho giai đoạn từ ngày 1/2/2018 đến ngày 31/12/2019. Theo Ngân hàng Thế giới, đây là khoản chi trả đơn lẻ lớn nhất từng có từ Quỹ FCPF cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh và chất lượng cao.
Khoản tiền này sẽ mang lại lợi ích cho 70.555 chủ rừng và 1.356 cộng đồng sống gần rừng, được chia theo kế hoạch chia sẻ lợi ích rộng rãi được xây dựng qua quá trình tham vấn minh bạch với nhiều bên tham gia.
ThS Thái Trần - Giám đốc Công ty Tư vấn Hanam Carbon nhận định: “Tham gia vào thị trường carbon là động lực phát triển, đổi mới công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon. Các DN, tổ chức và quốc gia tham gia vào thị trường carbon nhận được lợi ích 2 chiều: thực hiện giảm lượng khí nhà kính, góp phần phát triển bền vững, đồng thời được công nhận bằng tín chỉ carbon, thúc đẩy nền kinh tế. Các DN cũng được hưởng lợi từ việc bán tín chỉ carbon và xây dựng hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng. Việc tiếp cận nguồn tài chính xanh để hiện thực hóa thị trường chính là cơ hội mà các bên cần nắm bắt”.
Ông Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS, cho rằng Việt Nam thuộc số các quốc gia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng phát thải carbon. Việt Nam nằm trong top 20 nước có lượng phát thải carbon cao nhất năm 2022, với tốc độ tăng trưởng 2010 - 2022 đạt 57,3%, thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải carbon cao nhất thế giới. Nhóm ngành năng lượng và công nghiệp (đốt cháy công nghiệp) chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng cơ cấu phát thải carbon của Việt Nam 12 năm vừa qua.
Theo ông Lê Hoàng Thế, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon, kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cao khi nhu cầu thế giới được dự báo tăng gần 100 lần vào năm 2050. Ngành nông nghiệp Việt Nam, từ chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng đều có triển vọng chuyển hướng sang canh tác, sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, với các giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ…
Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện chương trình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và cam kết về chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, trong đó có mục tiêu đạt phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, ông Thế cho rằng Việt Nam cần có lực lượng lao động lớn, chuyên nghiệp để thực hiện giải pháp trọng tâm là xây dựng thị trường tín chỉ carbon bắt buộc. Lực lượng lao động này cần có hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon.
Theo Hãng tin Reuters, hiện nay chi phí mua tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện (dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia để đáp ứng các chính sách về môi trường) vào khoảng 6 - 8 USD/tấn nếu là tín chỉ carbon rừng và thấp hơn nếu là năng lượng mặt trời hoặc gió.
Theo công ty cung cấp nền tảng mua bán tín chỉ carbon Carbonhalo (trụ sở ở Mỹ), giá của tín chỉ carbon có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như quốc gia bán, loại dự án mua. Ở nhiều thị trường, "giá rẻ" đồng nghĩa với "chất lượng thấp". Trong thị trường tín chỉ carbon, tín chỉ carbon cũ hơn thì có thể rẻ hơn nhưng điều này không có nghĩa là mức bù đắp khác với tín chỉ carbon mới hơn.
Việc định giá tín chỉ carbon trên khắp thế giới chưa nhất quán, giá thị trường liên tục thay đổi ở các quốc gia. Theo Tổ chức chứng nhận quốc tế Gold Standard, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện ngày nay chủ yếu giá được quyết định bởi quy luật cung cầu.
Ngoài tự nguyện còn có thị trường carbon bắt buộc được thiết lập thông qua những ràng buộc của các quốc gia đã ký và phê chuẩn nghị định thư Kyoto. Thị trường này chủ yếu dành cho các dự án trong Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế phát triển bền vững (SDM) hoặc Đồng thực hiện (JI).
Theo Carbonhalo, nhu cầu về tín chỉ carbon tự nguyện ngày càng tăng và dự kiến sẽ tăng nhanh hơn khi ngày càng có nhiều công ty tìm cách giảm tác động đến môi trường. Điều này đang dần đẩy giá tín chỉ tự nguyện lên cao. Tuy nhiên, cho đến khi có những cách thức hợp lý hơn, có thể đo lường được để xác minh tín chỉ thông qua các tổ chức chứng nhận độc lập thì tín chỉ tự nguyện sẽ vẫn rẻ hơn tín chỉ bắt buộc.
Tháng 11-2023, đặc phái viên về khí hậu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói với Hãng tin Reuters rằng giá trung bình cho tín chỉ carbon phải tăng lên mức phù hợp, ít nhất là 25 - 35 USD/tấn để thúc đẩy các công ty gây ô nhiễm hành động vì khí hậu nhiều hơn.