Dưới tác động của đại dịch Covid-19, thói quen ăn uống của người tiêu dùng đã có sự thay đổi đáng kể. Với sự lo lắng về sức khỏe thể chất, tinh thần và nền kinh tế đầy thách thức luôn hiện hữu trong tâm trí người tiêu dùng, Covid-19 thúc đẩy cuộc cách mạng thực phẩm lành mạnh, các loại thực phẩm và đồ uống có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần mạnh mẽ, đặc biệt là có thể hỗ trợ khả năng miễn dịch.
Được biết đến là một thức uống giúp tăng cường miễn dịch chống lại cúm và virus, chè đen đang có sức hút trên toàn thế giới trong đại dịch. Hình thành sau quá trình oxy hóa hoàn toàn chè xanh, nên chè đen chứa hàm lượng vitamin E, C, B2, khoáng chất và giàu chất chống oxy hóa (cao hơn nhiều so với trà xanh và trà ô long) có lợi cho sức khỏe. Một số tác dụng chính của trà đen có thể kể đến bao gồm tăng sức đề kháng, làm chậm quá trình lão hóa, giảm cân, nâng cao sức khỏe hệ hệ tiêu hóa…
Đặc biệt, trà đen cũng có hương vị đậm đà và thời hạn sử dụng lâu hơn so với trà xanh. Do đó, trà đen rất được ưa chuộng bởi người tiêu toàn cầu, đặc biệt là ở những khu vực ở Trung Phi, Trung Đông và Châu Âu. Trà đen cũng là lựa chọn hàng đầu không chỉ của nhiều thương hiệu trà sữa, doanh nghiệp đồ uồng mà còn cả người tiêu dùng.
Chè đen được trồng phổ biến trên toàn thế giới. Do vậy, không hề khó khăn để các doanh nghiệp kinh doanh đồ uống có thể tiếp cận được nguồn nguyên liệu này. Trong đó, Châu Á đang là khu vực dẫn đầu thị trường trà đen thế giới cả về sản lượng lẫn mức tiêu thụ. Trung Quốc, Sri Lanka và Ấn Độ là top 3 quốc gia nắm giữ sản lượng cao nhất khu vực hiện nay. Trung Quốc dẫn đầu khi chiếm giữ 40% sản lượng trên toàn cầu, theo sau là Ấn Độ với 22%.
Có báo cáo chỉ ra rằng Sri Lanka đã quyết định quảng bá trà đen Ceylon trên toàn cầu như một loại thức uống tốt cho sức khỏe có thể ngăn ngừa Covid-19 bằng cách cải thiện hệ thống miễn dịch. Tâm lý thị trường rất mạnh ở Sri Lanka và các nhà xuất khẩu từ Châu Âu, CIS và Iran đã tích cực đẩy mạnh mua chè đen orthodox.
Còn ở Việt Nam, trong các loại chè xuất khẩu, chè đen được xem là loại chè chiếm phần lớn tỷ trọng trong cơ cấu xuất khẩu chè của nước ta. Chè đen xuất khẩu chủ yếu tới một số thị trường như: Nga, Indonesia, Đài Loan, Pakistan.
Theo báo cáo cung cấp bởi Business Wire, quy mô thị trường chè đen toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 28,4 tỷ USD năm 2018 lên 41.1 tỷ USD trong năm 2025. Trong đó, lượng tiêu thụ trà chủ yếu nằm ở các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Ấn Độ, Trung Quốc… Còn theo Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), sản lượng chè đen toàn cầu ước tính sẽ tăng 2.2% hàng năm trong vòng một thập kỷ tới, đạt 4.4 triệu tấn vào năm 2027. Những số liệu này cho thấy tiềm năng phát triển lớn của chè đen trong tương lai.
Bên cạnh đó, thị trường trà đen cũng đang phát triển vượt xa giới hạn trong phạm vi đồ uống, khi dần có mặt trong các thực phẩm dinh dưỡng, bánh kẹo, mỹ phẩm. Song song với sức tiêu thụ lớn của toàn thị trường và năng lực sản xuất mạnh, tiềm năng phát triển của thị trường trà đen dành cho các doanh nghiệp đồ uồng có thể nói là rất lớn.
Nhìn chung, thị trường trà đen nói chung và sản phẩm đồ uống từ chè đen nói riêng đang cho thấy sự cạnh tranh mạnh mẽ khi có nhiều thương hiệu cùng khai thác ngành hàng này ở thời điểm hiện tại. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh đồ uống đẩy mạnh đầu tư vào thị trường cần kết hợp với một đơn vị cung cấp nguyên liệu uy tín để đảm bảo chất lượng đầu ra sản phẩm. Với những doanh nghiệp sản xuất chè đen cũng cần hướng tới nâng cao năng suất, đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao. Ngoài ra, doanh nghiệp chè cũng cần chú trọng thị trường nội địa, tập trung phát triển thị trường nội tiêu, sản xuất các loại sản phẩm chất lượng, an toàn để đảm bảo phát triển bền vững.
Mặc dù có tiềm năng xuất khẩu lớn, nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, hoạt động xuất khẩu trà đen của Việt Nam gặp khó. TS. Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng, trong số nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân do dịch bệnh đã cản trở việc lưu thông trong nước và quốc tế, bởi chè xuất khẩu chủ yếu bằng container tàu biển, nhưng giá vận tải biển tăng vọt, nhiều lúc không thuê được tàu vì thiếu vỏ container.
"Chi phí vận tải tiêu tốn và làm kiệt sức các doanh nghiệp xuất khẩu, kéo theo giá chè xuất khẩu bị giảm theo. Nhiều doanh nghiệp tại Nghệ An, Hà Tĩnh và một số thành phố bị đình trệ trong việc xuất khẩu chè bởi rơi vào vùng dịch phải thực hiện việc cách ly xã hội. Bên cạnh đó, khi các hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp đã ký kết nhưng do dịch Covid-19 khiến nhiều hợp đồng bị giãn, hoãn, thậm chí một số hợp động còn bị yêu cầu giảm giá, trong khi, các hợp đồng mới gần như không có". TS. Tài cho biết.
Để giúp cho các doanh nghiệp, các HTX và hộ nông dân sản xuất, kinh doanh chè khắc phục những khó khăn và tiếp tục ổn định sản xuất, ổn định việc làm, đời sống cho hàng triệu người làm chè, Hiệp hội Chè Việt Nam đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương cần có những phương án hỗ trợ như: Miễn giảm tiền thuê đất chuyên dùng và không thu đất trồng chè năm 2021 cho các doanh nghiệp, gia hạn khoản nợ cũ và không tính lãi quá hạn, vay vốn mới với lãi suất ưu đãi, không thu thuế giá trị gia tăng (VAT) với chè doanh nghiệp đăng ký để xuất khẩu, giảm thu BHXH và kinh phí công đoàn tại các doanh nghiệp, giảm các lệ phí và kiểm dịch chè xuất khẩu,...
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.