Với sự tham dự của của gần 200 đại biểu đến từ cơ quan liên quan và doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch, hội thảo được tổ chức nhằm thực hiện Nghị quyết 60/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại văn bản số 3255/VPCP-KGVX, trong đó có giao Bộ Y tế chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, vật tư y tế tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng khẩu trang, vật tư y tế, kit xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong nước và xuất khẩu.
Tại hội thảo, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chia sẻ, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế của các nước, việc chung tay cùng đất nước phòng chống dịch hiệu quả là yêu cầu cấp thiết của cộng đồng doanh nghiệp cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Chính vì vậy, thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã cung cấp miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia, chia sẻ tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế, lĩnh vực về quản lý rủi ro, hệ thống quản lý chất lượng nói chung và đặc thù cho ngành trang thiết bị y tế… cho cộng đồng doanh nghiệp.
Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng mong muốn hội thảo này sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn các quy định để sản phẩm sản xuất đạt các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, đóng góp vào sự ổn định, phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian dịch COIVD 19 và hướng tới phát triển bền vững.
Theo đại diện Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 diễn ra tác động lớn đến toàn bộ đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh của Việt Nam và các quốc gia trên toàn thế giới, dẫn đến nhu cầu về nhóm trang thiết bị phòng chống dịch tăng đột biến. Đặc biệt là nhóm sản phẩm vật tư y tế phòng hộ cá nhân như: khẩu trang, găng tay và trang phục bảo hộ…
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến hết năm 2020, thế giới cần 2,2 tỷ khẩu trang phẫu thuật, 1,1 tỷ găng tay y tế, 13 triệu kính bảo hộ và 8,8 triệu tấm che mặt phục vụ phòng, chống lây nhiễm COVID-19.
Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất mặt hàng phòng, chống dịch COVID-19, như: Khẩu trang, găng tay y tế, kính bảo hộ y tế, quần áo phòng dịch. Trước nhu cầu gia tăng mặt hàng này trên thế giới, các cơ sở sản xuất trong nước cần tăng công suất lên 40%. Tuy nhiên, khi xuất khẩu các trang thiết bị bảo hộ chống dịch, doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn do tiêu chuẩn trong nước và tiêu chuẩn tại các quốc gia nhập khẩu (Mỹ, châu Âu) còn khác biệt khá lớn. Rất ít doanh nghiệp trong nước đạt được các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Theo đại diện Bộ Y tế, việc sản xuất các sản phẩm y tế đạt yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là một yêu cầu tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển sản xuất trang thiết bị y tế một cách bền vững, tăng cường năng lực, nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất nhóm sản phẩm trang thiết bị y tế của Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn tạm thời để hướng dẫn cho các doanh nghiệp sản xuất đáp ứng các yêu cầu cơ bản về tiêu chuẩn, yêu cầu về kỹ thuật đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.
Tới đây, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để xây dựng và ban hành hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho các nhóm sản phẩm trang thiết bị y tế để ngành hàng này phát triển bền vững, lâu dài.
Tại hội thảo các thông tin quan trọng cũng đã được đại diện của các bên chia sẻ và trao đổi nhằm tăng cường chất lượng, năng lực sản xuất và giải đáp, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 như: Giới thiệu Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa nói chung; quy định, chính sách hỗ trợ sản xuất trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19; các yêu cầu về chứng nhận, chất lượng cho hàng hóa nhập khẩu đối với thị trường Mỹ và Châu Âu; Các vấn đề thực trạng về chứng nhận FDA và CE tại Việt Nam; các yêu cầu xuất khẩu cho nhóm sản phẩm khẩu trang, găng tay y tế và quần áo bảo hộ…
Đại diện các doanh nghiệp cũng đã chia sẻ những vấn đề khó khăn, thuận lợi trong việc sản xuất và xuất khẩu nhóm mặt hàng vật tư y tế phòng chống dịch; thảo luận với các chuyên gia, nhà quản lý làm rõ những vướng mắc để cùng đưa ra các biện pháp tháo gỡ./.
Theo Chính phủ