Tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất chè 

Xu hướng tiêu dùng ngày càng chú trọng đến chất lượng sản phẩm, ưu tiên lựa chọn sản phẩm xanh - sạch - lành của người tiêu dùng đang tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thực phẩm khắp nơi trên thế giới. Cùng với đó, việc áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật trong sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã thực sự giúp người dân thay đổi hình thức canh tác truyền thống, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, là cơ hội để người dân phát triển kinh tế bền vững.

Sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người sản xuất và người tiêu dùng: như giúp người sản xuất quản lý tốt hơn quá trình sản xuất, giảm thiểu được các mối nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đến người sản xuất, đến sản phẩm và người tiêu dùng, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm.

Áp dụng GAP vào sản xuất chè cần có một số lưu ý như: vùng sản xuất, chọn giống chè, quản lí đất, sử dụng phân bón và chất phụ gia phù hợp, tưới nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất.

Mô hình thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp bà con nông chú ý hơn trong đảm bảo an toàn lao động, đã sử dụng bảo hộ lao động như quần áo, khẩu trang, găng tay, mũ, giày khi phun thuốc bảo vệ thực vật; thay đổi nhận thức trong trồng, chăm sóc và thâm canh chè nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Mô hình có tác động mạnh mẽ đến các hộ nông dân sản xuất chè trên địa bàn thực hiện mô hình và các xã trồng chè lân cận góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người sản xuất và chất lượng sản phẩm… nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân và sản phẩm thân thiện môi trường phát triển theo hướng bền vững và phù hợp hội nhập quốc tế và khu vực.

Mô hình thâm canh chè theo hướng VietGAP tại xã Như Cố (Chợ Mới) cho sản lượng búp trung bình đạt 3,5 tấn/ha.
Mô hình thâm canh chè theo hướng VietGAP tại xã Như Cố (Chợ Mới) cho sản lượng búp trung bình đạt 3,5 tấn/ha.

Tại tỉnh Bắc Kạn, nhằm phát huy lợi thế và nâng cao giá trị cây chè tại địa phương thông qua xây dựng các mô hình sản xuất chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn”. Dự án thực hiện từ năm 2019, với mục tiêu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo xây dựng vùng nguyên liệu và chế biến sản phẩm phục vụ phát triển sản xuất chè hàng hóa tại các huyện Ba Bể, Chợ Mới.

Đến nay, Dự án đã xây dựng thành công 20ha mô hình chè thâm canh theo hướng VietGAP. Trong đó, 10ha mô hình thực hiện tại xã Mỹ Phương (Ba Bể) với 17 hộ tham gia, tập trung ở các thôn Pùng Chằm 8,4ha, Bjoóc Ve 1,6ha; 10ha thực hiện tại xã Như Cố (Chợ Mới), tập trung ở các thôn Nà Rồng, Nà Tào, Nà Chào, Khuân Bang, Khuổi Chủ, Khuổi Hóp, Nà Luống, với 54 hộ tham gia.

Trong quá trình triển khai, các cán bộ kỹ thuật của cơ quan chủ trì dự án đã hướng dẫn các hộ tham gia về kỹ thuật thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGAP, gồm các kỹ thuật về bón phân, đốn, hái tạo hình chè vụ xuân, nhận diện và phòng trừ các loại sâu bệnh hại chè, vệ sinh đồng ruộng. 

Bên cạnh đó, các hộ tham gia còn được hướng dẫn ghi chép hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất chè theo hướng VietGAP. Kết quả triển khai mô hình VietGAP cho thấy, cây sinh trưởng và phát triển tốt, tán đều, rộng, búp dày, chất lượng nguyên liệu búp đảm bảo phục vụ cho chế biến các sản phẩm chè xanh của dự án.

Gia đình bà Cam Thị Kim là một trong những hộ trồng chè lâu năm tại thị trấn Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn). Hiện tại, gia đình bà khoảng 3 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà Kim cho hay: Cây chè cho thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 10 âm lịch, nếu thời tiết thuận lợi, mỗi ngày, tôi có thể thu được từ 15 đến 20 kg chè tươi với giá bán 23.000 đồng/kg. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cây chè đã tạo thu nhập ổn định cho gia đình với mức trung bình trên 100 triệu đồng/năm.

Thực hiện mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm chè dưới tán hồi, HTX Chè dưới tán hồi thôn Khau Phụ được Nhà nước hỗ trợ một số trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc chế biến chè như: máy sao chè, máy vò, máy hút chân không và được hỗ trợ thiết kế logo, bao bì sản phẩm… Vì vậy, sản phẩm chè sản xuất ra đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp, được khách hàng ở một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh… ưa chuộng.

Ông Lê Tiến Lâm, Giám đốc HTX Chè dưới tán hồi thôn Khau Phụ cho biết: Việc áp dụng các kiến thức trong sản xuất chè VietGAP giúp người dân thay đổi hình thức canh tác truyền thống sang sản xuất theo quy trình tiên tiến, đảm bảo an toàn cho cả sản phẩm và người canh tác; giúp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè. Hiện tại 1kg chè khô sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP bán trên thị trường được 200.000 đồng/kg, cao hơn từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng/kg chè khô sản xuất theo quy trình thông thường. Từ sản xuất chè theo quy trình này, trung bình một năm, các hộ thành viên trong HTX sản xuất và tiêu thụ trên 10 tấn chè khô (tương đương trên 60 tấn chè búp tươi) và có thu nhập khá.

Với nỗ lực của chính quyền, cơ quan, đơn vị liên quan cùng các hộ dân, mô hình sản xuất chè dưới tán hồi theo tiêu chuẩn VietGAP đã mang lại thành công nhất định ở huyện Bình Gia. Ngày 22/5/2021, sản phẩm này được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trao giấy chứng nhận công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) năm 2019 hạng 3 sao. Đây là nguồn cổ vũ, động viên lớn cho các tổ chức, các hộ trồng chè ở Bình Gia.

Theo ông Đào Thế Đông - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Trung bình mỗi năm, sản lượng chè tươi của toàn huyện đạt khoảng trên 300 tấn/năm. Để phát huy tiềm năng, lợi thế từ cây chè trồng dưới tán hồi, thời gian tới, phòng sẽ phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các hộ dân mở rộng diện tích chè; lựa chọn trồng những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện. Đối với các xã có diện tích chè lớn thì phòng và chính quyền cơ sở sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân thực hiện trồng và chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng đầu ra cho sản phẩm chè của huyện.

Nhân Lê