Tiêu thụ nông sản Việt trực tuyến: Giải pháp giúp phục hồi kinh tế sau mùa dịch hiệu quả

Việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã giúp người nông dân vơi bớt đi phần lo lắng và có thêm động lực để phát triển sản xuất.

Thời gian vừa qua, dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, đã tạo ra những tác động tiêu cực đối với các ngành sản xuất, trong đó có nông nghiệp. Dịch diễn biến khó lường đã ảnh hưởng tới các hoạt động phân phối, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Không những thế, đại dịch xảy ra cũng phần nào thúc đẩy người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm hàng ngày. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh, từ sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ, để có thể phát triển trong tình hình mới.

Trong thời điểm dịch bệnh nguy hiểm, việc giao-đặt hàng trực tuyến, các dịch vụ mua bán hàng hóa không tiếp xúc gia tăng mạnh. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ số trong chi tiêu, mua sắm đang trở thành xu hướng tất yếu của những người tiêu dùng hiện đại. Trong điều kiện này, việc phân phối tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử, được xem là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả. 

Nhiều hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trực tuyến được diễn ra

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở nhiều tỉnh thành phố đã ảnh hưởng nhiều tới tình hình sản xuất cũng như tiêu thụ, làm đứt gãy chuỗi lưu thông từ sản xuất, nguyên vật liệu vật tư nông nghiệp đầu vào cho đến các khâu như thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, phân phối tới các tỉnh thành phố để tiêu thụ cũng như xuất khẩu. Đặc biệt là tình hình giao nhận hàng hoá giữa các khu vực trong tỉnh, liên tỉnh gặp nhiều khó khăn khi nhiều tỉnh, thành phố áp dụng Chỉ thị 16.

Trong thời gian này, khi các phương án giao nhận phù hợp đã, đang được triển khai để bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, doanh nghiệp hay các sàn thương mại điện tử đã nhanh chóng triển khai các sự kiện đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá và nông sản trên môi trường trực tuyến, hỗ trợ người dân trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản đang vào mùa vụ cũng như đưa sản phẩm nông nghiệp đến tay người dân thành phố. 

Từ cuối năm 2020, trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS - Bộ Công Thương) đã cùng với các sàn TMĐT, như: Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart, Lazada tổ chức hàng chục chương trình kết nối đưa hàng hóa, nông sản lên “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn TMĐT này. Nhờ đó, hàng nghìn lượt doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả  nước đã đưa hàng trăm sản phẩm hàng Việt được lựa chọn kỹ lưỡng tới người tiêu dùng. Tiêu biểu là các sự kiện “Ngày đặc sản Sơn La”, “Ngày hội xứ dừa - Đặc sản Bến Tre”, “Gian hàng vải thiều Bắc Giang”… tổ chức hằng tuần, hằng tháng. 

Tiêu thụ nông sản Việt trực tuyến: Giải pháp giúp phục hồi kinh tế sau mùa dịch hiệu quả - Ảnh 1

Đáng chú ý, khi mùa vải thiều ở Bắc Giang gặp khó khăn khi kỳ thu hoạch vào đúng vào đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, thì hơn 200.000 tấn vải thiều Bắc Giang vẫn được tiêu thụ thuận lợi, với mức giá ổn định.  Trong đó, việc huy động các kênh tiêu thụ qua các sàn TMĐT góp phần quan trọng vào thành quả này. Lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang chính thức phân phối trên cả 6 sàn TMĐT lớn tại Việt Nam, bao gồm: Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart, Lazada với giá ưu đãi và chuyển phát nhanh toàn quốc thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” do Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức. Đây cũng là niên vụ đầu tiên, vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang châu Âu theo hình thức TMĐT xuyên biên giới thông qua sàn TMĐT Vỏ Sò, Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel.

Tiếp nối những thành công đó, trong tháng 10/2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp cùng sàn thương mại điện tử Sendo lên phương án tiếp tục đẩy mạnh cho Tuần lễ nông sản Việt trực tuyến. Chương trình có ba loại nông sản đặc sản vào mùa lần lượt được bán trên sàn Sendo trong chương trình “Tuần lễ nông sản Việt - Miễn phí vận chuyển”, bao gồm Hồng Giòn đặc sản Lâm Đồng, Dưa lưới đặc sản Bình Phước và Xoài cát chu vàng đặc sản Đồng Tháp. Với cả 3 loại nông sản này, người tiêu dùng tại thành phố Hồ Chí Minh khi đặt mua sẽ được hưởng mức giá ưu đãi giảm đến hơn 30% so với giá thị trường; đặc biệt, vào thời điểm vàng mở bán mỗi loại nông sản trên sàn thương mại điện tử Sendo, giá sẽ còn giảm sâu đến gần 40%. 

Tiêu thụ nông sản Việt trực tuyến: Giải pháp giúp phục hồi kinh tế sau mùa dịch hiệu quả - Ảnh 2

Với hình thức tiêu thụ này, sản phẩm của người nông dân, doanh nghiệp làm ra có thể tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng mà không phải qua bất cứ mắt xích trung gian nào, qua đó có thể giảm giá thành, tăng cường điều kiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các sàn giao dịch thương mại điện tử nông sản sẽ là trung gian giao dịch giúp người bán nhanh chóng đưa sản phẩm của mình ra thị trường với những thông tin minh bạch, giúp cho người mua tìm kiếm, tiếp cận nhà cung cấp, sản phẩm thực phẩm sạch nhanh hơn với chi phí tiết kiệm hơn.

Những thách thức khi triển khai tiêu thụ nông sản trên trên các sàn thương mại điện tử

Thực tế cho thấy, việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản Việt trực tuyến là hướng đi phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, hỗ trợ bảo đảm thu nhập và đời sống của người nông dân giữa lúc dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp. Ngoài ra còn giúp mở rộng kênh tiêu thụ cho nông sản, nhất là khi các kênh tiêu thụ truyền thống bị thu hẹp dó tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, do tiêu thụ hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử là một phương thức còn khá mới với người nông dân, đặc biệt là bà con ở các tỉnh miền núi nên cũng đặt ra rất nhiều thách thức. 

Một trong những thách thức lớn nhất là nhận thức của người nông dân về thương mại điện tử còn nhiều hạn chế. Do đó, để đẩy mạnh thị trường qua TMĐT, các nhà sản xuất cần xây dựng thêm phòng chuyên môn để có thể hỗ trợ tiêu thụ và quảng bá sản phẩm tốt hơn nữa. Các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp cần được huấn luyện, đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm. Các cơ quan chức năng cần có những chính sách khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, cần chú ý tới cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm. 

Tiêu thụ nông sản Việt trực tuyến: Giải pháp giúp phục hồi kinh tế sau mùa dịch hiệu quả - Ảnh 3

Được biết, về vấn đề trên, Cục Xúc tiến Thương mại đã và đang phối hợp với các sàn thương mại điện tử đào tạo, tập huấn cho nông dân, chủ trang trại kỹ năng quảng bá sản phẩm, bán hàng livestream; hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện để nông dân hiểu và nắm bắt rõ hơn về xu hướng và yêu cầu thị trường, từ đó tổ chức sản xuất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng vừa ban hành Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Thách thức tiếp theo là khó khăn trong việc cung ứng. Thực tế, trái cây, nông sản từ vườn đến tay người tiêu dùng trải qua nhiều bên trung gian và để giữ được độ tươi ngon đòi hỏi quy trình bảo quản nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, do thói quen của người tiêu dùng lâu nay là mua trực tiếp, nhằm kiểm tra thực tế nông sản. Nếu mua trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử, người mua cần sự kiểm định của cơ quan chức năng, cam kết của các đơn vị trong chuỗi cung ứng, cũng như từ chính các hợp tác xã, người nông dân.

Nhìn chung, các hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử trong thời gian gian tới sẽ dần trở nên quy củ hơn, bài bản hơn và cạnh tranh hơn. Để đưa nông sản lên thương mại điện tử, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bà con nông dân cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ từ khâu nuôi trồng, sản xuất, thu hoạch, bảo quản . . . để bảo đảm chất lượng đồng đều, hoàn thiện quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khi tham gia các chương trình đào tạo và tập huấn thương mại điện tử cần có sự chủ động học hỏi, sáng tạo trong việc ứng dụng thương mại điện tử, quảng bá trên môi trường số.

Ngoài ra, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng cần chủ động nắm bắt cơ hội, kết nối với các hợp tác xã, UBND xã, huyện, tỉnh tại địa phương, các Sở ngành địa phương và đặc biệt là với các sàn thương mại điện tử đang hợp tác với các cơ quan trong đó có Bộ Công Thương để cùng tháo gỡ kịp thời những khó khăn gặp phải khi từng bước chuyển mình sang hình thức phân phối hiện đại. Hơn nữa, những tháng cuối năm là lúc nhu cầu tiêu dùng hàng hoá tăng cao, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang làm việc chặt chẽ với các Sàn thương mại điện tử, các đối tác vận hành để tiếp tục tổ chức các chương trình thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá Việt nói chung và nông sản nói riêng, góp phần giúp doanh nghiệp và người dân bước vào giai đoạn bình thường mới.

Có thể thấy, với lợi thế tốc độ nhanh, phạm vi tiếp cận rộng, chi phí thấp hơn so với thương mại truyền thống, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trực tuyến trên kênh thương mại điện tử được xác định là giải pháp cứu cánh, là xu thế kinh doanh tất yếu cho tiêu thụ, xuất khẩu nông sản và các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam trong thời gian tới. Xu hướng này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường. 

Hồng Anh