Trà xanh là thức uống truyền thống và đặc trưng của người Việt từ rất nhiều đời. Khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam cũng rất thích hợp cho cây chè. Việt Nam, vì thế, vừa là thị trường tiêu thụ trà rất mạnh, đồng thời cũng là nhà xuất khấu trà lớn trên thế giới. Cây chè và văn hóa uống trà có nguồn gốc lịch sử lâu đời, có ý nghĩa kinh tế và văn hoá sâu sắc trên toàn thế giới. Chè và ngành chè được tôn vinh nhằm thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất và tiêu thụ trà bền vững. Ít ai biết rằng, HTX chè đầu tiên ở Việt Nam có từ năm 1940 tại Phú Thọ.
Theo nhiều ghi nhận, cách đây 100 năm, ông Đội Năm, người được tôn vinh là ông Tổ nghề chè Tân Cương, đã đem giống chè từ Đoan Hùng, Phú Thọ về lập làng Tân Cương ở Thái Nguyên. Thương hiệu chè mạn Bạch Hạc -Thái Nguyên nổi tiếng đến bây giờ cũng có nguồn gốc của tên ngã ba sông Bạch Hạc, Phú Thọ. Như vậy, Phú Thọ mới thực sự là cái nôi của cây chè và ngành chè Việt Nam.
Hiện, Phú Thọ xếp thứ hai về diện tích trồng chè với hơn 16.000 ha. Chè của Phú Thọ được trồng tại các vùng đồi trung du rộng lớn ở Thanh Ba, Cẩm Khê, Tân Sơn,… Đặc biệt, vùng đồi chè Long Cốc với hàng trăm ha đồi chè xanh mướt mắt, trải dài nhấp nhô trùng điệp còn được coi là một kỳ quan, một điểm đến du lịch hấp dẫn. Lịch sử đã ghi nhận, tại Phú Thọ, người Pháp đã lập một trong hai đồn điền chè đầu tiên ở Đông Dương. Đó là đồn điền chè 250 ha tại Phú Thượng, Hòa Vang (Quảng Nam) năm 1884 và đồn điền chè 60 ha tại Tình Cương, Cẩm Khê (Phú Thọ), vào năm 1890.
Từ cuối thế kỷ 19, người Pháp bắt đầu có những khảo sát về cây chè trên đất Phú Thọ và về sản xuất chè ở Việt Nam. Năm 1918, Toàn quyền Đông Dương đã ký quyết định thành lập Trạm nghiên cứu nông lâm nghiệp tại Phú Hộ, Phú Thọ. Đây là cơ sở nghiên cứu khoa học đầu tiên về cây chè và ngành chè ở Đông Dương, tiền thân của Viện nghiên cứu chè, nay trực thuộc Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc.
Cũng tại Phú Hộ, năm 1925, người Pháp đã xây dựng nhà máy chế biến chè đầu tiên tại Đông Dương. Các thiết bị, máy móc chế biến chè đều nhập từ Anh, còn nguyên liệu là chè Phú Thọ. Sản phẩm chè một phần tiêu thụ tại thị trường Đông Dương, một phần xuất khẩu sang Anh, Pháp. Người Pháp đã tìm hiểu và đánh giá rất cao chất lượng chè Phú Thọ.
Hợp tác xã (HTX) chè đầu tiên ở Việt Nam được ra đời từ năm 1940, cũng tại tỉnh Phú Thọ. Ngày 6/12/1940, tại Thanh Ba, Phú Thọ, HTX chè đầu tiên ở Việt Nam đã được thành lập với sự tham gia của 50 người trồng chè trong vùng. Đây cũng là mô hình HTX (société cooperative agricole) đầu tiên được thành lập tại tỉnh Phú Thọ. Hội nghị thành lập HTX chè ở Thanh Ba có sự chứng kiến và chủ tọa của viên quan Sứ người Pháp và viên quan Tuần phủ. Ông Ng.Đ. Thắng được bầu làm Chánh hội trưởng HTX (như Trưởng Ban quản trị hay Chủ nhiệm HTX) và 6 ông sáng lập viên đại diện các nhóm nông hộ ở Cát Trù, Chí Chủ, Ninh Dân, Vũ Yến, Hanh Cù, Vựa Cau được bầu làm Hội đồng cố vấn HTX (có thể như Ban quản trị hay HĐQT của HTX).
Theo báo Đông Pháp xuất bản ngày 10/12/1940, việc ra đời HTX chè đầu tiên tại Phú Thọ này có công rất lớn của một kỹ sư người Pháp tên E. Lhomme. Ông này đi cổ động, hướng dẫn điền chủ, nông dân trồng chè khắp vùng Phú Thọ, thành lập HTX và tham gia HTX để đem lại nhiều lợi ích, trước hết cho chính người dân.
Theo đó, mô hình HTX chè là một cách rất tốt để “trừ khử bọn đầu cơ thường hay mua dìm giá” gây thiệt hại cho người nông dân sản xuất và kinh doanh chè. Ngay từ khi mới bắt đầu hoạt động, HTX chè đầu tiên ở Phú Thọ này đã làm dịch vụ thu mua và tiêu thụ chè cho bà con hội viên. HTX cam kết giá thu mua ít nhất bằng với giá của tư thương, sau đó sẽ còn chia thêm lãi. Ngoài ra, những người góp vốn cũng nhận một phần lãi cố định.
Chiến lược của HTX chè Thanh Ba là thu hút nhiều người dân tham gia, sẽ đầu tư xưởng chế biến chè chung của HTX “chung một cái xưởng chè, có đủ khí cụ cần dùng để cho các hội viên có chè đem đến đó làm”. Và cuối cùng, HTX chè này đã phát triển và đầu tư được cả thảy 8 xưởng chế biến chè như vậy ở các làng chè có đông xã viên như ở các làng Cát Trù (Cẩm Khê), Đào Giã, Chí Chủ (Thanh Ba), Ấm Hạ, Giọc Phát, Đàn Trầm (Hạ Hòa).
Hoài Anh (t/h)