Tìm hiểu về trà Phổ Nhĩ

Nhắc đến danh trà không thể bỏ qua được loại trà nức tiếng từ Trung Quốc mang tên Phổ Nhĩ. Được mệnh danh là một trong những loại trà ngon và đắt đỏ bậc nhất trong các loại trà, Phổ Nhĩ mang trong mình sự cuốn hút riêng biệt.

Trà Phổ Nhĩ là loại trà được tạo ra thông qua quá trình lên men hoàn toàn, đây là đặc sản xuất xứ từ Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (Theo Wikipedia). Trà Phổ Nhĩ là một trong những loại trà đắt nhất thế giới bởi những phẩm chất khác lạ của nó. Loại trà này còn một vài tên gọi khác như: Trà Kim Qua Cống, Nhân Đầu Cống. 

Tìm hiểu về trà Phổ Nhĩ - Ảnh 1

Phổ Nhĩ là một thị trấn nhỏ ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Hàng nghìn năm trước, Phổ Nhĩ vốn là một trung tâm mua bán trà rất lớn ở Vân Nam. Tại đây, gần như các vùng trồng trà ở Vân Nam đều mang hàng đến bán. Do đó, cái tên trà Phổ Nhĩ ban đầu được dùng để gọi chung cho tất cả các loại trà từ Vân Nam.

Sau Cách mạng Văn Hóa, Phổ Nhĩ Trà được đổi tên thành Tư Mao. Đó là thời điểm năm 1950. Thế nhưng, đến năm 2007, cơn sốt Phổ Nhĩ trà quay lại, do đó chính quyền địa phương đã đổi tên Tư Mao thành tên cũ là Phổ Nhĩ Trà. Từ đó, cái tên này được duy trì cho đến tận ngày nay.

Yếu tố thứ hai giúp định nghĩa trà Phổ Nhĩ đó chính là nguyên liệu làm trà. Trà Phổ Nhĩ được làm từ lá của giống trà cổ thụ hoang dã. Giống trà cổ thụ này có 2 nhóm chính. Nhóm đầu tiên có lá trà to và một thân to chính. Còn nhóm thứ hai có lá nhỏ, nhiều thân nhỏ mọc lên từ một gốc.

Phần lớn trà Phổ Nhĩ được làm từ nhóm trà lá to hay Đại Diệp Trà. Nhưng vẫn có một số ít được làm từ giống trà lá nhỏ. Hay còn được giới yêu trà Phổ Nhĩ gọi là Phổ Nhĩ Kim (hay Phổ Nhĩ lá nhỏ).

Tìm hiểu về trà Phổ Nhĩ - Ảnh 2

Nguyên liệu làm nên trà Phổ Nhĩ được phân định theo tuổi cây trà và vùng miền. Tuổi trà được phân thành 3 nhóm. Nguyên liệu từ cây trà hàng trăm năm tuổi được phân nhóm là Cổ Thụ. Cây trà hàng chục năm tuổi được gọi là Đại Thụ. Còn nhóm trà ít tuổi mới được trồng được gọi là Thai Địa Trà.

Để được gọi là Cổ Thụ thì cây trà phải ít nhất 100 năm tuổi. Và tất nhiên thì chất lượng nguyên liệu Cổ Thụ bao giờ cũng vượt trội hơn nhiều so với những nhóm trà ít tuổi hơn.

Và một yếu tố quan trọng khác giúp định nghĩa giá trị của nguyên liệu trà Phổ Nhĩ đó là vùng miền. Ở Vân Nam có những làng mà trà Phổ Nhĩ của họ đắt hơn rất nhiều lần những nơi khác. Yếu tố địa hình, thổ nhưỡng, vi khí hậu, nguồn nước, hệ vi sinh vật khiến cho trà Phổ Nhĩ ở một vùng có hương vị đặc biệt hơn hẳn các vùng khác. Cộng với việc những người yêu trà săn lùng thì giá trị trà Phổ Nhĩ ở vùng đó càng được đẩy lên chóng mặt.

Trước khi có những bánh trà đẹp đẽ, trước khi có Phổ Nhĩ sống hoặc chín, thì mọi loại trà Phổ Nhĩ đều bắt đầu từ ‘mao trà’. Mao trà hay ‘trà thô’ là một dạng trà thành phẩm từ lá trà cổ thụ.

Lá trà cổ thụ sau khi hái sẽ được ‘diệt men’, vò và làm khô. Lý do ‘mao trà’ được gọi là trà thô vì những lá trà này chưa là trà Phổ Nhĩ hoàn chỉnh. ‘Mao trà’ được ép thành bánh để thành Phổ Nhĩ sống, hoặc được ủ lên men rồi đóng thành bánh Phổ Nhĩ chín.

Trà Phổ Nhĩ để càng lâu, hương vị càng thơm ngon, ấn tượng. Uống có hương thơm đặc trưng đó là hương trầm dịu, ban đầu chát, sau ngọt sâu. Khi mở chén trà ra thì có thể dễ dàng cảm nhận được mùi lá trà vì mùi hương rất dễ lan toả trong môi trường nóng ẩm cao. Nếu trà có vị đắng và chuyển dần sang chát thì đó được làm từ cây trà non, hay tiểu thụ và ngược lại, nếu uống trà cảm nhận được vị đắng nhẹ, sau đó chuyển dần sang vị ngọt, kèm theo chát nhẹ thì trà đó được làm từ cây trà đại thụ hay cổ thụ.

Hoài An