Tìm về “thủ phủ" của vùng chè Ba Vì người dân đổi thay nhờ cây chè

Tận dụng khí hậu và đồng đất, từ của xã miền núi gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, đến nay, xã Ba Trại, Yên Bài (huyện Ba Vì) đã xây dựng thành công mô hình sản xuất chè "sạch". Cây chè đã giúp nông dân miền núi Ba Trại, Yên Bài vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế địa phương.

Tìm về “thủ phủ" của vùng chè Ba Vì người dân đổi thay nhờ cây chè  - Ảnh 1
Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực mang lại kinh tế cao cho người dân trên địa bàn xã Ba Trại. Ảnh: Sơn Thủy.
Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực mang lại kinh tế cao cho người dân trên địa bàn xã Ba Trại. Ảnh: Sơn Thủy.

Là một trong 7 xã miền núi nằm ở phía Tây huyện Ba Vì, xã Ba Trại có diện tích tự nhiên lên đến 2.017 ha, quy mô dân số đạt trên 15.000 người với 3.722 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm 48%. Dù trước đây, Ba Trại gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đến nay đời sống đã được cải thiện rõ rệt, bởi những chính sách hỗ trợ hợp lý, cùng với sự vươn lên của người dân. Không những giảm nghèo bền vững, nhiều hộ gia đình còn mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng để làm giàu trên “vùng đất khó”...

Ông Nguyễn Tạ Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại, cho biết: “Ba Trại tự hào về vùng đất được mệnh danh là thủ phủ trồng chè của huyện Ba Vì, với địa hình có độ dốc lại nằm trong khu vực núi Ba Vì mát mẻ, không khí trong lành nên rất thích hợp cho cây chè sinh trưởng, phát triển. Hiện nay, diện tích trồng chè của Ba Trại là khoảng 470ha, là vùng trồng chè lớn nhất của huyện Ba Vì. Trung bình mỗi hộ dân có từ 2.000m2 đến 3.000m2 chè. 9/10 thôn của Ba Trại đã được thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu làng nghề chế biến chè búp khô truyền thống. Từ năm 2019, xã Ba Trại bắt tay vào xây dựng nhãn hiệu tập thể “Chè búp khô Ba Trại”.

Ông Nguyễn Tạ Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại. Ảnh: Sơn Thủy.
Ông Nguyễn Tạ Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại. Ảnh: Sơn Thủy.

Là chứng nhân của câu chuyện hồi sinh cây chè Ba Trại và đang có gần một mẫu chè cho thu hoạch thường xuyên, ông Bùi Ngọc Chung, dân tộc Mường hiện sinh sống tại xóm Đô Trám hồi tưởng: Trước đây, do tập tục canh tác lạc hậu nên năng suất, chất lượng chè không đảm bảo. Thời điểm ấy, giao thương vùng núi cũng còn gặp nhiều khó khăn khiến người nông dân như ông cứ loay hoay với cái nghèo...

"Những năm 2010, nhờ có sự hỗ trợ về vốn từ Chương trình 135 và giống mới từ Trung tâm Phát triển giống cây trồng Hà Nội, tôi và nhiều hộ gia đình đã đưa giống chè LDP1 có năng suất, chất lượng cao vào canh tác. Ít năm sau, đời sống gia đình tôi thay đổi hẳn. Với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, sau 5 năm, từ hộ nghèo gia đình tôi đã tạo dựng được cơ ngơi khang trang và có tích lũy để tiếp tục đầu tư sản xuất”, ông Chung cho biết.

Trung bình mỗi năm, chè cho thu hoạch 7-8 lứa. Vụ chè chính kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9. Những tháng còn lại, sản lượng chè giảm nhưng giá thường tăng hơn. Nguyên nhân do vào mùa đông, búp chè phát triển chậm năng suất thấp hơn vụ hè, nhưng đổi lại, cây chè được dưỡng đủ gió, sương nên mang vị đậm đà, thơm hơn.

Nói về giá trị kinh tế, cây chè không chỉ được đong đếm ở mức giá 200 đến 250 nghìn đồng/kg chè búp khô; mà từ đây, những đồi chè xanh còn manh nha mở hướng cho địa phương phát triển du lịch. Năm 2021, Ba Trại sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống đường giao thông cho các làng nghề trồng và chế biến chè búp khô, trong đó tập trung vào thôn 3 và thôn 4 (làng Đô Trám) để phát triển làng nghề gắn với du lịch.

Làng văn hóa Đô Trám, xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Sơn Thủy .
Làng văn hóa Đô Trám, xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Sơn Thủy .
Hộ gia đình trồng chè ông Nguyễn Văn Chính, tại khu 3, xóm Đô, xã Ba Trại đã gắn bó làm nghề chè gần 40 năm. Ảnh: Sơn Thủy.
Hộ gia đình trồng chè ông Nguyễn Văn Chính, tại khu 3, xóm Đô, xã Ba Trại đã gắn bó làm nghề chè gần 40 năm. Ảnh: Sơn Thủy.

Đến Ba Trại hôm nay, mọi người sẽ gặp những mảng xanh rộng lớn trải dài từ khắp các sườn đồi đến khu vườn của mỗi nhà dân. Hộ gia đình trồng chè ông Nguyễn Văn Chính, tại khu 3, xóm Đô chia sẻ: “Đối với làng nghề chè xóm Đô, xã Ba Trại có khoảng 100 hộ gia đình trồng chè và chế biến sản xuất chè. Năm 2021, đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao “Chè sạch Ba Trại”. Hiện nay, tổng diện tích vườn chè của gia đình có hơn 4000 m2, trồng chè của gia đình được áp dụng theo hướng sản xuất hữu cơ với giống cây chè chủ đạo hiện nay chủ yếu là giống LDP1, PH8, mỗi năm gia đình đạt khoảng hơn tạ chè khô, tính trung bình giá bán thô 250 nghìn/kg chè…mỗi năm đạt trung bình thu nhập từ cây chè khoảng 250 triệu đồng”.

“Chúng tôi đã xây dựng được mô hình trồng chè VietGAP, để nói về trồng chè của gia đình phải nói việc khó khăn nhất là khâu chế biến và chăm sóc, không phải ai cũng làm được chè ngon. Làm phải xây dựng thương hiệu tập thể, như gia đình tôi làm chè phải giữ chắc “chữ tín và lòng tin” như bản thân tôi năm nay đã hơn 60 tuổi thì đã gần 40 năm gắn với làm chè…”, ông Chính chia sẻ thêm.

Làng văn hóa Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Sơn Thủy.
Làng văn hóa Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Sơn Thủy.

Cùng với đó, cây chè từ lâu đã được nhiều người biết đến là cây công nghiệp mang lại lợi ích giá trị kinh tế cao. Nhiều hộ dân sinh sống ở làng nghề truyền thống chè Phú Yên xã Yên Bài, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ trồng chè.

Hiện nay, trên địa bàn thôn Phú Yên, xã Yên Bài có 283 hộ gia đình với 1.009 nhân khẩu, gồm 7 dân tộc, đa số có nguồn gốc là người lao động thuộc các xã Tòng Bạt, Phú Châu, Minh Châu của huyện Ba Vì, và một số xã của huyện Phúc Thọ, vào xây dựng kinh tế mới tại Nông trường Ba Vì (nằm trên địa bàn xã Yên Bài) từ năm 1989.

Năm 2006 thực hiện chủ trương cổ phần hóa của Nhà nước, Nông Trường Ba Vì giải thể, các hộ gia đình chính thức được chuyển về trở thành công dân xã Yên Bài. Kinh tế hộ gia đình chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi, trong đó cây chè vốn là cây truyền thống của địa phương xã Yên Bài và người dân Phú Yên từ hàng chục năm qua.

Tổng diện tích cây chè của thôn Phú Yên hiện có 70ha được trồng đan xen cây ăn quả. Ảnh: Phi Long.
Tổng diện tích cây chè của thôn Phú Yên hiện có 70ha được trồng đan xen cây ăn quả. Ảnh: Sơn Thủy.

Ông Nguyễn Văn Lập - Chủ tịch UBND xã Yên Bài, cho biết: “Xã Yên Bài về đích Nông thôn mới năm 2020. Hiện nay tại làng nghề truyền thống chè Phú Yên có khoảng gần 300 hộ dân, chủ yếu các hộ đó đều làm chè và phát triển thương hiệu chè, trong việc trồng chè có trồng đan xen cây ăn quả như bưởi, mít. Thương hiệu chè Phú Yên đã được công nhận sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao, hiện nay sản phẩm OCOP của xã chỉ có sản phẩm chè và bưởi, bình quân thu nhập trên đầu người đạt trên 50 triệu/người/năm với tổng dân số gần 10 nghìn người”.

Trong đó, xã Yên Bài sẽ tập trung hỗ trợ phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng vùng chè; tổ chức sắp xếp cơ sở chế biến và sản xuất chè; xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại. Xây dựng, mở rộng vùng sản xuất chè hàng hóa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo sự ổn định trong phát triển sản xuất, chế biến chè trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Lập - Chủ tịch UBND xã Yên Bài. Ảnh: Sơn Thủy.
Ông Nguyễn Văn Lập - Chủ tịch UBND xã Yên Bài. Ảnh: Sơn Thủy.

Đặc biệt, làng nghề truyền thống chè Phú Yên trong những năm gần đây khi chính thức được công nhận làng nghề năm 2015 việc giám sát trồng chè đều có theo hướng dẫn cụ thể về quy trình, HTX Phú Yên đã ra quy chế rõ ràng đối với 183 hộ trồng chè phải tuân thủ theo an toàn đảm bảo tập huấn cho các hộ dân trồng chè đều phải xử dụng phân hữu cơ, như đậu tương, phân chuồng ủ mục. Nói không với các loại thuốc nằm trong danh sách cấm về sản xuất nông nghiệp. Hướng đi trong tương lai đối với cây chè Phú Yên là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt sẽ phát triển trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng gắn liền với cây chè, trên địa bàn xã hiện nay có 7 dân tộc chính nhưng chiếm chủ yếu là dân tộc Kinh, Mường, Tày…

Thương hiệu chè Phú Yên đã được công nhận sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao. Ảnh: Sơn Thủy.
Thương hiệu chè Phú Yên đã được công nhận sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao. Ảnh: Sơn Thủy.
Tìm về “thủ phủ" của vùng chè Ba Vì người dân đổi thay nhờ cây chè  - Ảnh 2
sản phẩm chè OCOP 3 sao Phú Yên
Sản phẩm chè Phú Yên, xã Yên Bài. Ảnh: Sơn Thủy.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được triển khai trên địa bàn huyện Ba Vì không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn là cơ hội để các địa phương xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân và góp phần giúp huyện Ba Vì đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

SƠN THỦY