Tôn vinh nghệ nhân trà: Những người gìn giữ hồn Việt qua từng ấm trà

Trong khuôn khổ Lễ phong tặng nghệ nhân và các danh hiệu làng nghề Việt Nam đợt 2 lần thứ XI năm 2024, do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức, 15 nghệ nhân trà trên cả nước đã vinh dự được xướng tên, ghi nhận những đóng góp xuất sắc trong việc gìn giữ, phát triển và truyền bá tinh hoa trà Việt – một biểu tượng văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Nghệ nhân trà – Những người “chắt lọc hồn đất” qua từng cánh trà

Các nghệ nhân trà được vinh danh tại Lễ phong tặng nghệ nhân và các danh hiệu làng nghề Việt Nam
Các nghệ nhân trà được vinh danh tại Lễ phong tặng nghệ nhân và các danh hiệu làng nghề Việt Nam

Không chỉ đơn thuần là người trồng, sao, ướp hay pha trà, nghệ nhân trà là những người am hiểu sâu sắc về quy trình sản xuất, tinh thông kỹ thuật ướp hương, kết hợp hài hòa giữa yếu tố kỹ năng, văn hóa và tâm hồn. Họ sống cùng trà, thở cùng trà và nâng tầm trà Việt từ một thức uống đời thường trở thành một nghệ thuật sống.

Phát biểu tại buổi lễ, Nhà giáo ưu tú Trịnh Quốc Đạt, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nhấn mạnh: “Nghệ nhân là báu vật nhân văn sống, là tinh hoa của làng nghề, là lực lượng quan trọng để sáng tạo những sản phẩm tinh hoa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong các sản phẩm, thúc đẩy sản xuất góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề. Họ chính là những người giữ và truyền lửa nghề truyền thống, là linh hồn lưu giữ và phát triển làng nghề”.

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ: “Việc 15 nghệ nhân trà được vinh danh hôm nay không chỉ là niềm tự hào của riêng ngành chè, mà còn là sự ghi nhận xứng đáng cho những con người đã dành cả đời gắn bó với cây trà, với hương vị và linh hồn của đất Việt. Mỗi nghệ nhân chính là một ‘người kể chuyện’ – kể về lịch sử, văn hóa, và chiều sâu tinh thần Việt Nam qua từng ấm trà.”

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (Bên phải) 
Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (Bên phải) 

15 nghệ nhân trà được vinh danh lần này đến từ nhiều vùng đất nổi tiếng như: Thái Nguyên, Quảng Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Yên Bái, Hà Giang, Lâm Đồng, Hà Nội - những địa phương có truyền thống lâu đời với nghề làm trà. Mỗi người là một câu chuyện riêng, một hành trình giữ nghề đầy gian nan nhưng cũng thấm đẫm tình yêu và niềm kiêu hãnh với từng búp trà quê hương.

Từ trà xanh Thái Nguyên đậm vị, trà Shan tuyết cổ thụ Hà Giang nồng nàn khí sơn cước, đến trà sen Tây Hồ thanh khiết được ướp công phu trong từng cánh hoa sen mùa hạ – mỗi dòng trà là một lát cắt tinh tế trong bức tranh văn hóa trà Việt. Và mỗi nghệ nhân là một nghệ sĩ lặng thầm, kiên trì gìn giữ bản sắc ấy qua năm tháng.

Danh hiệu cao quý – Niềm tin gửi gắm vào thế hệ giữ hồn trà Việt

Tôn vinh nghệ nhân trà: Những người gìn giữ hồn Việt qua từng ấm trà - Ảnh 1

Để được phong tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề Việt Nam, người nghệ nhân phải vượt qua những tiêu chuẩn vô cùng khắt khe – đó là trình độ kỹ thuật điêu luyện, khả năng nắm giữ bí quyết nghề truyền thống, tác phẩm đạt giải thưởng trong nước và quốc tế, khẳng định giá trị sáng tạo trên cả phương diện văn hóa lẫn thị trường. Đặc biệt, yếu tố đạo đức nghề nghiệp được xem như “linh hồn” của danh hiệu. Các nghệ nhân được vinh danh không chỉ giỏi nghề, mà còn là những người thầy thầm lặng, kiên trì truyền dạy kỹ năng, tình yêu nghề và bản sắc văn hóa cho thế hệ trẻ, giúp ngọn lửa truyền thống không ngừng lan tỏa và bừng sáng trong thời đại mới. 15 nghệ nhân trà được vinh danh lần này chính là minh chứng sống động cho những giá trị ấy – là kết tinh của tài năng, bản lĩnh, sự bền bỉ và cả một đời cống hiến cho nghệ thuật trà Việt.

Đây không chỉ là phần thưởng cho cá nhân, mà còn là niềm tự hào của cộng đồng, làng nghề và gia đình – những nơi đã cùng nghệ nhân hun đúc, bảo tồn và phát triển nghề trà truyền thống.

Tôn vinh nghệ nhân trà: Những người gìn giữ hồn Việt qua từng ấm trà - Ảnh 2
Tôn vinh nghệ nhân trà: Những người gìn giữ hồn Việt qua từng ấm trà - Ảnh 3
Tôn vinh nghệ nhân trà: Những người gìn giữ hồn Việt qua từng ấm trà - Ảnh 4
Tôn vinh nghệ nhân trà: Những người gìn giữ hồn Việt qua từng ấm trà - Ảnh 5
Tôn vinh nghệ nhân trà: Những người gìn giữ hồn Việt qua từng ấm trà - Ảnh 6
Tôn vinh nghệ nhân trà: Những người gìn giữ hồn Việt qua từng ấm trà - Ảnh 7
Tôn vinh nghệ nhân trà: Những người gìn giữ hồn Việt qua từng ấm trà - Ảnh 8
Tôn vinh nghệ nhân trà: Những người gìn giữ hồn Việt qua từng ấm trà - Ảnh 9
Tôn vinh nghệ nhân trà: Những người gìn giữ hồn Việt qua từng ấm trà - Ảnh 10
Tôn vinh nghệ nhân trà: Những người gìn giữ hồn Việt qua từng ấm trà - Ảnh 11
Tôn vinh nghệ nhân trà: Những người gìn giữ hồn Việt qua từng ấm trà - Ảnh 12
Tôn vinh nghệ nhân trà: Những người gìn giữ hồn Việt qua từng ấm trà - Ảnh 13
Tôn vinh nghệ nhân trà: Những người gìn giữ hồn Việt qua từng ấm trà - Ảnh 14

Trong thời đại hội nhập sâu rộng, ngành trà Việt đang đứng trước cơ hội lớn để chinh phục thị trường quốc tế. Tuy nhiên, đi kèm đó là những thách thức về tiêu chuẩn chất lượng, thị hiếu người tiêu dùng và sức cạnh tranh từ các quốc gia khác.

Việc phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân trà lần này chính là bước khẳng định mạnh mẽ rằng nghề trà Việt Nam không chỉ có chiều sâu truyền thống, mà còn có khả năng đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững. Từ đó, góp phần đưa trà Việt không chỉ là một sản phẩm, mà là một thương hiệu văn hóa trên bản đồ quốc tế.

15 nghệ nhân trà được vinh danh tại buổi lễ:

1. Nghệ nhân Hà Ngọc Quỳnh – Nghệ nhân sản xuất chè (Thị trấn Hải Hà, huyện Hải Hà, Quảng Ninh)

2. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lê Na - Nghệ nhân pha chế trà (Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội)

3. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thủy - Nghệ nhân sản xuất chè (Nguyễn Trãi, TP.Hà Giang)

4. Nghệ nhân Đào Tuyết My - Nghệ nhân sản xuất chè (Nguyễn Trãi, TP.Hà Giang)

5. Nghệ nhân Đỗ Ngọc Thuận - Nghệ nhân sản xuất chè (Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh)

6. Nghệ nhân Nguyễn Thị Huệ - Nghệ nhân pha chế trà (Bảo Lộc, Lâm Đồng)

7. Nghệ nhân Đặng Thái Sơn - Nghệ nhân pha chế trà (Nghĩa Lộ, Yên Bái)

8. Nghệ nhân Nguyễn Đình Hùng - Nghệ nhân sản xuất chè (Văn Chân, Yên Bái)

9. Nghệ nhân Lê Thanh Tùng - Nghệ nhân sản xuất chè (Văn Chân, Yên Bái)

10. Nghệ nhân Chu Thị Tú Liên - Nghệ nhân sản xuất chè (Văn Chân, Yên Bái)

11. Nghệ nhân Triệu Mùi Khé - Nghệ nhân sản xuất chè (Hoàng Su Phì, Hà Giang)

12. Nghệ nhân Ngô Thị Thân – Nghệ nhân ướp trà sen (Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội)

13. Nghệ nhân Hoàng Minh Hiền - Nghệ nhân ướp trà sen (Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội)

14. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thanh Hương - Nghệ nhân ướp trà sen (Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội)

15. Nghệ nhân Hồ Ngọc Lâm - Nghệ nhân pha chế trà (Hoàng Mai, Hà Nội)