Theo đó, danh sách 10 công ty công nghệ thông tin-viễn thông uy tín năm 2023 gồm có Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần FPT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC, Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone), Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam, Công ty cổ phần Hanel, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam và Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phát.
Danh sách 10 công ty công nghệ cung cấp dịch vụ, giải pháp phần mềm và tích hợp hệ thống uy tín năm 2023 gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phần mềm FPT, Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS), Công ty cổ phần Misa, Công ty cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC, Công ty cổ phần Công nghệ-Viễn thông Elcom, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI, Công ty cổ phần Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT, Công ty cổ phần Viễn thông-Tin học Bưu điện và Công ty cổ phần Tập đoàn HIPT.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin năm 2022 ước đạt 148 tỉ USD, tăng trưởng 8,7%; trong khi số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 khoảng 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021.
4 năm kể từ khi thông điệp “Make in Vietnam” chính thức được đưa ra, công nghệ thông tin - viễn thông đã trở thành ngành kinh tế động lực của cả nước, giữ vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.
Tỉ lệ đóng góp vào GDP của lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin cũng như kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử đều ghi nhận sự gia tăng so với thời điểm năm 2021 (+8,7% và +11,6%).
Tuy nhiên, giai đoạn từ cuối năm 2022 đến đầu 2023 chứng kiến các doanh nghiệp trong ngành bị ảnh hưởng từ sức cầu yếu do rủi ro suy thoái kinh tế thế giới và áp lực lạm phát.
Quý I/2023, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin cũng như kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử Việt Nam giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 3/2023 ước đạt 845.577 tỉ đồng, tỉ lệ doanh thu ước đạt 20% so với kế hoạch năm. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử ước đạt khoảng 26,6 tỉ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ.
Kết quả khảo sát do Vietnam Report tiến hành vào tháng 3/2023 chỉ ra CNTT-VT dẫn đầu top 7 ngành được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt trong ít nhất 2-3 năm tới với tỷ lệ 63,6% số doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, với kết quả từ quý đầu năm và diễn biến của những cơn gió ngược trên thị trường thế giới, triển vọng tăng trưởng đã thấp đi đáng kể.
Theo kết quả khảo sát Vietnam Report thực hiện vào tháng 5-6/2023, tất cả các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành đều không có kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành CNTT-VT, 71,4% nhận định sẽ duy trì đà tăng trưởng và 28,6% nhận định sẽ có sự suy giảm đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2023.
Khảo sát cũng chỉ ra top 4 khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp trong ngành đã, đang và sẽ phải đối mặt trong năm 2023, bao gồm: (1) Tuyển dụng và giữ chân nhân tài; (2) Thiếu chính sách, quy chế, khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ cho sản phẩm, dịch vụ phát triển trên các nền tảng công nghệ mới; (3) Cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành; và (4) Hạn chế tiếp cận nguồn vốn đầu tư.
Tiến Hoàng