Ứng trước vốn cấp bách để khởi công khu TĐC đúng hạn
Với nghị quyết này, TP. Huế đang đi đầu trong việc "chạy trước một bước" về hạ tầng tái định cư, nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị mặt bằng, giảm thiểu ách tắc, đồng thời mở ra cơ hội tái cấu trúc không gian đô thị theo hướng hiện đại, bền vững.
Theo tờ trình của UBND TP. Huế, dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024, đặt ra yêu cầu cấp thiết về tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) trên toàn tuyến đi qua địa bàn.
Trước áp lực thời gian và quy mô dự án, TP. Huế đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo cấp thành phố về công tác GPMB, do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban – thể hiện tinh thần vào cuộc quyết liệt từ cấp cao nhất của địa phương.
Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm chủ động tháo gỡ nút thắt hạ tầng, tạo quỹ đất sạch đúng tiến độ, sẵn sàng đón đầu công trình giao thông thế kỷ – tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541 km, nối ga Ngọc Hồi (Hà Nội) với ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố. Tuyến được thiết kế với tốc độ tối đa 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Khi hoàn thành, dự án sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển bằng đường sắt Bắc - Nam xuống còn khoảng 5-6 giờ. Ảnh minh họa - IT
Để kịp khởi công các khu TĐC vào ngày 19/8/2025, việc bổ sung kế hoạch vốn năm 2025 với giá trị 60 tỷ đồng là vô cùng cấp bách. Hạn mức ứng trước ngân sách của thành phố là 614 tỷ đồng, và số dư có thể ứng tiếp hiện tại là 84,1 tỷ đồng, đủ để đáp ứng nhu cầu 60 tỷ đồng này. Kinh phí thực hiện các dự án TĐC dự kiến sẽ được ngân sách trung ương chi trả.
Bốn khu tái định cư trọng điểm với hơn 1.400 tỷ đồng đầu tư
Toàn TP. Huế dự kiến sẽ có 4 dự án đầu tư các khu TĐC phục vụ GPMB cho dự án đường sắt tốc độ cao, với tổng kinh phí lên tới 1.419,608 tỷ đồng. Các dự án này bao gồm: Hạ tầng kỹ thuật các khu TĐC khu vực phía bắc TP. Huế 481 tỷ đồng; hạ tầng kỹ thuật các khu TĐC khu vực trung tâm TP. Huế 283 tỷ đồng; hạ tầng kỹ thuật các khu TĐC khu vực phía nam TP. Huế hơn 257,8 tỷ đồng; hạ tầng kỹ thuật các khu TĐC khu vực Chân Mây - Lăng Cô: Gần 397 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện các dự án TĐC này dự kiến từ năm 2025 đến 2027.
Quy hoạch và ảnh hưởng của tuyến đường sắt tốc độ cao tại Huế
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua TP. Huế với chiều dài khoảng 95 km. Tuyến này được quy hoạch đi qua nhiều khu vực quan trọng: từ ranh giới Khu công nghiệp Phong Điền, vượt sông Hương, đi vào trung tâm thành phố, hướng về phía đông nam, qua đầm Cầu Hai, và vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trước khi rẽ phải vượt Quốc lộ 1A, đường sắt hiện hữu, và qua đèo Hải Vân sang TP. Đà Nẵng.
Theo thống kê, khoảng 825 ha đất trên địa bàn TP. Huế sẽ thuộc diện thu hồi để phục vụ dự án. Trong số hơn 8.100 hộ dân bị ảnh hưởng, gần 900 hộ dân sẽ cần được bố trí đất tái định cư. UBND TP. Huế đã yêu cầu các xã, phường có tuyến đường sắt đi qua khẩn trương hoàn thành kiểm kê, lập phương án đền bù và ưu tiên triển khai đồng bộ hạ tầng các khu TĐC để đảm bảo điều kiện sống ổn định cho người dân.
TP. Huế đã kiến nghị thống nhất vị trí ga Huế tại phường Mỹ Thượng và ga Chân Mây tại xã Chân Mây - Lăng Cô.
Bùi Quốc Dũng