Trà - Hương vị thấm đượm tình quê đất Việt

Hòa chung dòng chảy với các nước phương Đông, trà cũng đã có mặt ở nước ta từ rất lâu đời, đã có nhiều nhận định cho rằng Việt Nam là cái nôi, là quê hương của cây trà.

Trà ảnh hưởng đến mọi mặt trong văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần
Trà ảnh hưởng đến mọi mặt trong văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần

Theo các cao nhân xưa, trà là loại thức uống có sức lôi cuốn chinh phục lòng người, trà đi vào mọi lĩnh vực đời sống của người Việt, có ảnh hưởng đến mọi mặt trong văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Gắn bó mật thiết và trở thành vật phẩm trao đổi trong sinh hoạt cộng đồng.

Trong đời sống văn hóa của người Việt, trà cũng góp phần tạo nên đặc trưng trong văn hóa ẩm thực. Là chất men kết dính khơi dậy những cảm hứng trong thơ ca và nghệ thuật. Với những thi nhân, trà là tri kỷ, ngay cả những bậc tao nhân, quý tộc cũng rất quý trọng và dành cho trà những sự ưu ái.

Theo ThS. Nguyễn Hiếu Tín, Nguyễn Trãi đã xem trà như một giá trị thư giãn và thẩm mỹ, một công cụ giao tiếp ứng xử xã hội, làm phong phú thêm đời sống tâm hồn của con người trần tục, trút hết phiền muộn để đi vào thơ ca: Mẫn đường vân khí triêu phần bách/Nhiễu chẩm từng thanh dạ thược trà, hoặc thăng hoa thành cảnh tiêu dao nơi trần thế: Thắp hương trước án bên mai lũy/Quyết tuyết đun trà trước trúc hiên.

Lê Thánh Tông, vị vua quyết đoán giàu nghị lực, nhiều tài năng chính trị, tư tưởng quân sự và thi văn, ông đã nói “uống trà là một sự yêu thích, để ngâm thơ với bạn tri kỷ”.

Đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà tư tưởng lớn, có sức ảnh hưởng đến thời cuộc, đã từ chối quan trường để được thanh nhàn, ẩn sĩ nơi cõi tục: Khát uống trà mai hương ngọt ngọt/Giấc nằm hiên nguyệt gió hiu hiu.

Hoặc phong lưu nhàn dật của Nguyễn Du: Khi hương sớm, khi trà trưa/Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn. Thời xưa ở chốn kinh kỳ coi việc uống trà là một thú vui sành điệu của chàng trai đất Thăng Long trong câu tục ngữ: Làm trai biết đánh tổ tôm/Uống chè Mạn Hảo, ngâm nôm thúy kiều.

Năm 1934, Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời đã nói thú uống trà là một trong những thú đi sâu vào đời sống tinh thần đượm màu sắc tôn giáo, đạo lão thần tiên của lớp danh nhân văn hóa Việt Nam thời xưa, như hai câu thơ thanh thoát, phong vị tiêu sái của Viên Chiếu Thiền Sư (999-1090): Tặng quân tiên lý viễn/Tiên bã nhất bình trà (Tiễn chân ai bước đường xa/Miệng cười dâng một bình trà tặng nhau).

Chọn trà, pha trà, mời trà đã là một ứng xử văn hóa biểu hiện sự tinh tế và lòng mến khách. Uống trà cũng là một cách ứng xử văn hóa. Thông thường người Việt uống trà rất giản dị, không cầu kỳ. Ở nhiều vùng nông thôn, người bình dân hay uống chè xanh, lá tươi, rửa sạch hạm trong nước sôi sủi tăm. Nước chè thơm dịu, xanh ngắt múc vào bát sành lớn và uống rất dân dã. Trà là loại thức uống rất bình dân và mang đậm ý nghĩa cộng đồng. Mọi người có thể ngồi quay quần bên chén trà mà bàn về cuộc sống mùa màng, hay những lời thăm hỏi. Người Việt Nam mời nhau uống trà không đơn thuần là để giải khát, mà để biểu hiện một phong độ văn hóa thanh cao, một sự kết giao tri kỷ, một tấm lòng ước mong hòa hợp, một sự tâm đắc của những người cùng đối thoại, chén trà như khởi đầu những mối quan hệ.

Vì vậy, dù là một bát chè xanh mộc mạc hay chén ngọc trà sang kiểu cung đình hay chén trà thanh tao của kẻ sĩ ẩn dật, trong văn hóa thưởng trà dường như luôn hòa vào nhau, khó phân biệt một cách rạch ròi vì tất cả đều hòa chung trong tinh thần thong dong, tự tại, thanh bạch, muốn thoát khỏi hồng trần của thế gian.

Di An (t/h)