Trà đạo: Nét văn hóa tinh thần của người Hàn Quốc

Trà đạo trong văn hóa Hàn Quốc mang phong cách rất tự nhiên, mộc mạc, đậm chất truyền thống Khổng đạo của xứ sở kim chi. Việc thưởng trà tại nơi đây không quá cầu kỳ và gò bó nhưng vẫn có những nguyên tắc, chủ yếu là tạo nên sự thư giãn, thoải mái. Tất cả hòa trộn tạo thành một nét riêng trong nghệ thuật thưởng trà Hàn Quốc.

Trà đạo Hàn Quốc khác với matcha Nhật Bản, người Hàn Quốc thích các loại trà làm từ ngũ cốc, hoa và quả khô, nhân sâm, và lá trà xanh. Trà đạo trong văn hóa Hàn Quốc mang một phong cách rất tự nhiên mà mộc mạc nhưng lại mang đậm chất truyền thống Khổng đạo của xứ sở kim chi.

Lịch sử và nguồn gốc văn hóa trà đạo Hàn Quốc

Người Hàn đã biết thưởng thức Văn hóa Trà đạo, uống Trà từ thời tam quốc trên bán đảo Hàn Quốc gồm Goryeo (Cao Ly) miền Bắc, Baekje (Bách Tế) ở miền Tây Nam và Silla (Tân La) ở miền Đông Nam.

Trà đạo: Nét văn hóa tinh thần của người Hàn Quốc - Ảnh 1

Ý nghĩa dâng Trà trong nghi lễ Phật giáo hết sức đặc biệt. Khắp chốn Thiền môn, chúng ta có thể tìm thấy hình ảnh dâng Trà được khắc hoặc vẽ trên các chuông lớn hoặc tranh Phật giáo.

Vị Tiền bối có công đưa đưa "Trà" thành "Đạo" ở Hàn Quốc trong thời hậu Joseon (Triều Tiên) là Thiền sư Thảo Y (1786~1866), được nhân dân sùng kính tôn vinh Thánh Trà Thảo Y Thiền Sư (다성 초의 선사-茶聖 草衣 禪師). Ngài dựng một Thảo Am nhỏ, mái lợp rơm, tường vách đất mang tên Nhất Chi Am (일지암-一枝庵). Thảo Am được dựng trong khuôn viên Đại Hưng Cổ Tự (대흥사 (大興寺), huyện Hải Nam (Haenam-gun), tỉnh Toàn La Nam Đạo (Jeollanam-do), nơi Thảo Am thanh vắng, Ngài chuyên canh trồng chè và tỉnh tâm tu hành.

Nhất Chi Am
Nhất Chi Am

Ngài truyền tụng rằng: “Việc cuốc đất trồng Trà và thưởng thức Trà Đạo so với sự tu hành chẳng khác. . .” Những áng thơ in đậm nét tình Đời ý Đạo trong tuyển tập thơ Đông Trà Tụng (동다송-東茶頌) của mình, Ngài đã giới thiệu với độc giả cách chế biến, phân loại Trà, cách uống và thưởng thức Trà, sự ưu việt của hương, vị, phong cách và dược lý của Trà Hàn Quốc hơn hẳn so với Trà Trung Quốc: 

Tiếng nước sôi trong veo sao tĩnh lặng

Hương trà thơm mát dịu thấu tới xương

Tâm hồn vu vơ bừng tỉnh giấc

Mây trắng trăng thanh hai vị khách hững hờ

Liệu có bằng nơi đây của người tu niệm!

Qua vài dòng tâm sự mộc mạc, thấu tình đạt lý, Ngài đã thể hiện phần nào được niềm an lạc hạnh phúc của một người thư giãn với chén Trà thơm ngon tinh khiết trong đêm khuya thanh vắng. Sống ở đời mỗi người chúng ta nên tự thưởng cho mình những khoảnh khắc êm đềm thơ mộng này.

Phong cách thưởng trà trong văn hóa trà đạo Hàn Quốc

Nguyên tắc thưởng trà: Người khách sẽ ngồi cách xa bàn trà, chủ nhà pha trà và rót vào từng chén trà, đặt lên một khay gỗ nhỏ và đưa tới từng vị khách. Chủ nhà sẽ rót nước trà lần hai khi trà của khách hết. Trong thời gian thưởng trà, chủ nhà chỉ rót 2 lần trà mời khách.

Đặc biệt, chủ nhà sẽ rót trà vào chén của khách ngồi bên tay trái trước, tiếp đến sẽ rót vào chén của mình rồi mới đến chén của khách ngồi bên tay phải. Chủ nhà sẽ là người nâng chén rước, một tay giữ chén trà, tay còn lại che chén và lòng bàn tay xoay vào trong. Chén trà được nâng lên mũi để thưởng hương trà và sau đó chậm rãi uống từng ngụm nhỏ. Nếu thưởng trà cùng người lớn tuổi, người trẻ nên xoay mặt sang hướng khác và uống thật kín đáo.

Cách thức pha trà: Trong văn hóa trà đạo Hàn Quốc, trà thường được pha với nước nóng từ 70 đến 80 độ C. Nước sôi sẽ được rót ra bát đã chuẩn bị sẵn, nắp ấm được nhắc ra đặt lên miệng gác và rót nước từ bát vào ấm. Nắp ấm trà được đậy lại, lắc nhẹ, đổ nước ra bát trà cặn để tráng ấm.

Cách thức pha trà
Cách thức pha trà

Kế đến, trà được cho vào ấm, rót nước nóng từ bát vào, hãm trong khoảng 2 phút để lá trà nở ra. Sau đó, trà sẽ được rót ra chén và thưởng thức. Thông thường, thời gian hãm trà sẽ tỉ lệ nghịch với lượng trà được pha. Lượng trà càng nhiều thì thời gian pha càng ngắn và ngược lại.

Cách thưởng thức: Cách thưởng trà trong văn hóa trà đạo Hàn Quốc được biến tấu theo phong cách rất riêng. Trà đạo được xem như một nghi lễ nhằm tìm kiếm sự hài hòa và thư giãn. Do đó, văn hóa thưởng trà tuy có những nguyên tắc nhất định nhưng không quá cầu kỳ và gò bó. Tất cả tạo nên một nét đẹp riêng trong nghệ thuật thưởng trà của Hàn Quốc.

Đặc biệt cách thưởng trà của người Hàn trong mỗi tình huống, nghi lễ sẽ khác nhau. Trong dịp lễ, tiệc thưởng trà sẽ được bày kèm một ít bánh ngọt như: Yugwa (bánh gạo nếp chiên), gangjong (bánh gạo), jeong hwa (mứt hoa quả), dasik (bánh làm từ bột khoai tây, khoai lang hoặc đậu xanh)...

Nếu trước đây, thưởng trà là một nghi thức giao tiếp xã hội thì ngày nay, Trà đạo trong văn hóa Hàn là một cách thư giãn giúp đầu óc minh mẫn, giũ bỏ những lo toan, phiền muộn từ nhịp sống hiện đại. Văn hoá uống trà luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống thường nhật của người Hàn Quốc.

Vũ Nghi