Trà hoa từ lục địa đen

Hibiscus vốn là thực vật bản địa của Châu Phi, theo thời gian loại cây này dần trở nên phổ biến trên toàn thế giới.

Nguồn gốc trà hibiscus

Hibiscus là một loài cây bụi với hoa màu đỏ mọc đơn lẻ. Hoa thường mọc ở nách lá và gần như không có cuống hoa. Mùa hoa nở rộ từ tháng 7 đến tháng 10. Lá, đài hoa và hạt cây hibiscus được sử dụng để làm dược liệu. Đặc biệt, người ta thường sử dụng đài hoa phơi khô để chế biến thành trà sử dụng quanh năm với rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và sắc đẹp. 

Trà hoa từ lục địa đen - Ảnh 1

Hibiscus được biết đến đầu tiên tại một số vùng thuộc Châu Phi, và là niềm tự hào của người dân bản địa. Sau đó, hoạt động mua bán nô lệ qua Thái Bình Dương ở những thế kỷ trước chính là con đường đã đưa hibiscus đến các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới ở Trung Mỹ, Brazil, Mexico và miền Tây Ấn Độ. Qua thời gian loại cây dần phổ biến ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. 

Từ khoảng đầu thế kỷ 20, hibiscus được du nhập vào Việt Nam, và có nhiều tên gọi khác nhau như bụp giấm, lạc thần hoa, hồng đài,... Với đặc tính không kén đất, ưa vùng đất đồi núi, khí hậu nóng ẩm, hibiscus được trồng nhiều ở một số tỉnh như Hà Tây, Thái Nguyên, Sơn La, Lâm Đồng... Đặc biệt, Đà Lạt là một trong một số vùng đất cung cấp sản lượng hibiscus lớn cho cả nước. 

Dòng trà này được phân loại là trà thảo dược. Trà thảo dược được làm từ nhiều loại thực vật, cây thuốc và gia vị khác nhau. Ở nhiều nước, trà thảo dược không được gọi là "trà" vì nó không được làm từ cây trà (Camellia sinensis).

Mặc dù không phổ biến như các loại trà đen và xanh, nhưng trà hibiscus vẫn đứng trong danh sách những loại trà được yêu thích bởi hượng vị thơm ngon, dễ uống.

Hương vị của trà hoa hibiscus

Với nhiều lợi ích cho sức khỏe và sắc đẹp như an thần, giảm căng thẳng, trẻ hoá da và cơ thể, giảm cân an toàn, hỗ trợ các bệnh về gan và đường tiêu hoá, giảm mỡ trong máu và cholesterol… trà hoa hibiscus ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó, chính hương vị khó cưỡng từ vị chua chua và mùi thơm đặc trưng đã để lại dấu ấn đậm sâu với những ai từng thưởng thức. Sắc màu đỏ ruby đậm đà, bắt mắt cũng điểm khiến trà hoa hibiscus khó bị nhầm lẫn giữa muôn vàn loại trà khác trên thị trường.

Lợi ích sức khỏe của trà hoa hibiscus

Trà hoa từ lục địa đen - Ảnh 2

Trà hibiscus và cao huyết áp: Một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên tờ Journal of Nutrition cho thấy việc tiêu thụ trà artiso đỏ làm giảm huyết áp ở những người có nguy cơ cao huyết áp và những người bị cao huyết áp nhẹ.

Các đối tượng nghiên cứu uống 3 lần, mỗi lần 240ml trà hibiscus hoặc đồ uống giả dược hàng ngày trong 6 tuần. Kết quả những người uống trà hibiscus thấy giảm đáng kể huyết áp tâm thu, so với những người uống giả dược.

Một phân tích tổng hợp các nghiên cứu công bố năm 2015 thấy rằng uống trà hibiscus làm giảm đáng kể huyết áp tâm thu và tâm trương. Cần nghiên cứu thêm để xác nhận kết quả

Giảm cholesterol: Một nghiên cứu công bố năm 2011 đã so sánh kết quả của việc uống trà hibiscus với trà đen đối với mức cholesterol. 90 người có cholesterol cao đã uống hibiscus hoặc trà đen hai lần một ngày trong 15 ngày.

Sau 30 ngày, cả hai nhóm đều không có sự thay đổi có ý nghĩa về LDL hoặc mức cholesterol "xấu". Tuy nhiên, cả hai nhóm đều tăng cholesterol toàn phần và HDL tốt "đáng kể".

Tuy nhiên, các nghiên cứu khác cho kết quả chưa thống nhất. Một tổng kết công bố vào năm 2013 thấy rằng uống trà hibiscus không làm giảm đáng kể mức cholesterol.

Chống oxy hóa: Hoa hibiscus rất giàu các chất chống ôxy hóa như beta-carotene, vitamin C và anthocyanin giúp cải thiện một số tình trạng sức khỏe trên diện rộng.

Chất chống ôxy hóa phá hủy các phân tử có hại là các gốc tự do trong cơ thể. Các gốc tự do gây ra thiệt hại cho các tế bào góp phần gây ra các bệnh như ung thư, bệnh tim và đái tháo đường. Trong khi cơ thể sử dụng chất chống ôxy hóa của riêng mình để chống lại tác hại của các gốc tự do, thì thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tật.

Trà hibiscus không chứa calo và caffein. Nó có thể uống nóng hoặc lạnh. Vì trà hibiscus có vị chua tự nhiên, người ta thường pha thêm đường hoặc mật ong để có vị ngọt, thêm calo và carbohydrate.

Lợi ích sức khoẻ đối với tim của trà hibiscus được cho là nhờ các hợp chất anthocyanin, cũng là chất mang lại màu sắc cho các loại quả mọng.

Hương Trà (t/h)