Cây chè ở vùng đất Tân Cương (Thái Nguyên) đã khẳng định thương hiệu trên thị trường của hơn 100 nước. Hơn thế, giống chè này còn là một trong năm sản phẩm quốc gia được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên toàn quốc.
Địa danh Tân Cương bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam từ năm 1922. Theo ghi lại, ông Đội Năm (Võ Văn Thiệt) là người đã giúp người dân khai hoang, mở đất và lấy giống từ trại chè Phú Hộ, thuộc huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ về trồng. Từ đó, ông Đội Năm được xem là ông tổ nghề chè ở Tân Cương, Thái Nguyên.
Vì sao trà Tân Cương lại nổi tiếng và được đánh giá là danh trà Việt Nam
Không chỉ là người có công mang giống trà Tân Cương về trồng, ông Đội Năm còn mang trà đến với cuộc thi Đấu Xảo năm 1935 và giành giải nhất. Nhờ đó, loại trà này đã trở nên nổi tiếng, được biết đến là đặc sản Thái Nguyên.
Tại lễ hội Văn hóa trà Đà Lạt, Lâm Đồng năm 2006, 5 mẫu chè Tân Cương Thái Nguyên đã đứng Top 10 và được vinh dự nhận cúp vàng chất lượng. Sở dĩ trà Tân Cương nổi tiếng và được đánh giá là danh trà Việt Nam còn do một số nguyên nhân như sau:
Đặc điểm của vườn chè: Trà Tân Cương có chất lượng tốt phần lớn nhờ đặc điểm thổ nhưỡng của vườn chè nơi đây. Các vườn chè thuộc vùng trung du bán sơn địa, xen kẽ nhiều thung lũng hẹp, bằng phẳng và có sông Công chảy qua địa bàn. Thổ nhưỡng nơi đây chứa nhiều nguyên tố vi lượng phù hợp với đặc tính phát triển của trà.
Đặc biệt, mỗi gia đình có 1 vườn chè riêng, thu hoạch và làm chè từ những mảnh vườn này. Người trồng chè tại đây có thói quen sử dụng phân hữu cơ để chăm bón cho cây. Chính nhờ khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi và quá trình chăm sóc tốt đã giúp cây chè Tân Cương phát triển và đạt chất lượng hảo hạng.
Tâm huyết của người làm chè: Chất lượng trà Tân Cương còn đến từ truyền thống và bí quyết làm chè được truyền từ đời này sang đời khác. Trà được trồng, thu hái và sản xuất thủ công bởi các nghệ nhân để đem lại chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, các vùng trồng trà còn thường xuyên tổ chức các lễ hội để người làm trà có cơ hội học hỏi, thi thố nhằm nâng cao tay nghề.
Từ đó đến nay, người dân Tân Cương vẫn tiếp tục nhân giống bằng hạt, mở rộng, tạo nên vùng chè nức tiếng. Tuy nhiên, do trồng từ hạt và không được chọn lọc nên quần thể cây trồng không đồng đều, cùng với canh tác theo phương thức cũ, chè trồng từ 40 - 70 năm về trước nên có hiện tượng thoái hóa, năng suất thấp. Từ năm 2005 trở lại đây, người dân chuyển đổi sang trồng các giống chè lai khiến diện tích chè trung du ngày càng bị thu hẹp.
Theo ông Vũ Đức Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển KH&CN Thái Nguyên (Sở KH&CN), Chủ nhiệm Dự án: Trong vùng chè đặc sản Tân Cương gồm 06 xã Tân Cương, Quyết Thắng, Phúc Hà, Phúc Trìu, Thịnh Đức và Phúc Xuân của TP. Thái Nguyên, mức độ suy giảm diện tích chè trung du diễn ra nhanh, hiện tỷ lệ chỉ còn khoảng 20%, có những xã không còn hoặc còn rất ít chè trung du. Vì vậy, để giữ được nét đặc trưng của sản phẩm chè và giữ được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Tân Cương, Dự án “Bảo tồn và phát triển giống chè trung du nhằm giữ gìn và phát triển chỉ dẫn địa lý Tân Cương cho sản phẩm chè của Thái Nguyên” đã được thực hiện.
“Kết quả của dự án đã mở rộng được thêm 3 ha trồng mới, cải tạo và thâm canh hơn 7 ha những nương chè già cỗi. Đặc biệt, chúng tôi đã hoàn thiện được quy trình trồng, chăm sóc cây chè trung du phù hợp với địa bàn các xã trong vùng chè Tân Cương” - ông Vũ Đức Hải cho biết thêm.
Từ kết quả dự án đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân vùng chè, tạo động lực để người dân trong vùng tiếp tục lựa chọn, mở rộng diện tích trồng giống chè trung du. Tuy nhiên, dự án mới chỉ đạt được kết quả trên một diện tích nhỏ. Để giữ gìn và phát triển chỉ dẫn địa lý Tân Cương cho sản phẩm chè Thái Nguyên, cũng như bảo tồn hương vị truyền thống, bà con vùng chè hiện vẫn tiếp tục chung tay, góp sức nhân rộng diện tích, nâng cao giá trị sản phẩm chè trung du, góp phần chắp cánh cho thương hiệu Trà Tân Cương, Thái Nguyên ngày càng bay xa.
Dinh Vũ