Trà Việt Nam: Từ bản sắc văn hóa đến cơ hội tỷ đô

Giữa làn sóng đồ uống toàn cầu, trà Việt vẫn vững vàng như một bản sắc sâu lắng không chỉ là thức uống, mà còn là cơ hội tỷ đô nếu biết khai thác đúng giá trị văn hóa, hương vị đặc trưng và câu chuyện bản địa độc đáo.

Trong thế giới đồ uống đang chuyển mình mạnh mẽ, nơi matcha Nhật Bản phủ sóng toàn cầu và những trào lưu trà sữa, cà phê “ngoại nhập” thay nhau khuấy đảo thị trường, trà Việt Nam vẫn giữ cho mình một chỗ đứng riêng lặng lẽ nhưng kiên định. Đó không chỉ là những lá trà xanh giản đơn, mà là một di sản văn hóa, một hương vị bản sắc, và quan trọng hơn, là cơ hội lớn để Việt Nam bước chân vững chắc vào sân chơi tỷ đô toàn cầu nếu biết cách “kể chuyện” đúng cách và đổi mới hợp thời.

Theo Cục Hải quan, xuất khẩu chè Việt Nam đạt 43 triệu USD trong quý I/2025. Đến 2030, sản lượng có thể đạt 136.500 tấn, khai thác cơ hội từ thị trường chè toàn cầu trị giá 70 tỷ USD.
Theo Cục Hải quan, xuất khẩu chè Việt Nam đạt 43 triệu USD trong quý I/2025. Đến 2030, sản lượng có thể đạt 136.500 tấn, khai thác cơ hội từ thị trường chè toàn cầu trị giá 70 tỷ USD.

Hương vị truyền thống – Lợi thế cạnh tranh không thể sao chép

Không thể phủ nhận rằng người tiêu dùng hiện đại, đặc biệt là giới trẻ, đang ngày càng ưa chuộng những thức uống mới lạ, tiện lợi và giàu trải nghiệm. Tuy nhiên, giữa cơn sốt “xanh umami” từ matcha hay sự cuốn hút của latte Ý, trà Việt – với hậu vị ngọt sâu, sắc nước đậm đà và sự cầu kỳ trong cách pha chế vẫn âm thầm ghi dấu ấn với những ai tìm kiếm sự nguyên bản và chiều sâu văn hóa trong mỗi chén trà.

Trà shan tuyết Hà Giang, trà mạn Thái Nguyên, trà ô long Bảo Lộc… không chỉ là sản phẩm nông nghiệp mà còn là kết tinh của thổ nhưỡng, khí hậu và bàn tay cần mẫn của người trồng trà. Mỗi loại trà mang một “cá tính” riêng, thể hiện qua mùi hương, vị chát dịu hay hậu ngọt kéo dài – thứ mà không một sản phẩm trà công nghiệp nào có thể dễ dàng sao chép.

Không cạnh tranh, mà tạo phân khúc riêng

Thay vì cố gắng “bắt trend” để cạnh tranh trực tiếp với matcha Nhật trong phân khúc đại chúng, nhiều chuyên gia và nghệ nhân đã chỉ ra hướng đi khôn ngoan hơn: định vị trà Việt như một sản phẩm cao cấp – đậm vị, mang chiều sâu văn hóa, phục vụ nhóm khách hàng tìm kiếm giá trị hơn là sự tiện lợi nhất thời.

Theo nghệ nhân trà Đào Đức Hiếu, thay vì chạy theo dòng matcha bằng mọi giá, trà Việt hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm “lai” đầy sáng tạo như latte shan tuyết, cold brew ô long, hoặc trà sữa hữu cơ pha với matcha Việt. Các món tráng miệng từ bột trà ô long hay bột shan tuyết giữ lại vị đậm, giàu dưỡng chất có thể vừa đáp ứng khẩu vị đại chúng, vừa giữ bản sắc Việt.

Ở phân khúc hiện đại và năng động hơn, trà Việt có thể được sáng tạo dưới hình thức đồ uống đóng chai như sparkling tea, trà thảo mộc lạnh (kết hợp với sen, nhài, gừng), hoặc trà bổ sung collagen, vitamin, không chỉ bắt kịp xu hướng “healthy lifestyle” mà còn phù hợp với gu thẩm mỹ của thế hệ Gen Z thế hệ tiêu dùng dẫn dắt thị trường.

Học từ matcha – Xây dựng giá trị từ gốc rễ

Matcha Nhật không thành công nhờ may mắn. Đó là thành quả của cả một hệ sinh thái: từ canh tác hữu cơ, chỉ dẫn địa lý rõ ràng, công nghệ chế biến cao cấp đến câu chuyện trà đạo được xây dựng nhất quán trong truyền thông, văn hóa và du lịch. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi mô hình này để định vị trà của mình không chỉ là nguyên liệu mà là một hành trình trải nghiệm.

Các mô hình tour du lịch trà – homestay tại vùng trồng, workshop pha trà, trải nghiệm ẩm thực vùng miền gắn với trà… có thể giúp gia tăng giá trị cho mỗi lá trà Việt. Đây không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là cách bảo tồn và lan tỏa văn hóa thưởng trà một nét đẹp vốn đang mai một giữa nhịp sống hiện đại.

“Matcha made in Vietnam” – Khả thi nếu đầu tư bài bản

Một trong những câu hỏi thường được đặt ra: liệu Việt Nam có thể sản xuất matcha chất lượng cao như Nhật Bản? Câu trả lời là hoàn toàn có thể nếu có chiến lược và đầu tư hợp lý. Theo nghệ nhân Đào Đức Hiếu, các vùng chè như Bảo Lộc (Lâm Đồng), shan tuyết Hà Giang hay Yên Bái có điều kiện tự nhiên phù hợp để sản xuất trà Tencha nguyên liệu nền của matcha.

Việc che tán lá trong giai đoạn 20–30 ngày trước thu hoạch giúp tăng hàm lượng theanine, chlorophyll và giảm tannin – những yếu tố then chốt tạo nên vị umami đặc trưng của matcha. Tuy nhiên, để đạt đến chuẩn matcha uống trực tiếp (usucha, koicha) như Nhật, Việt Nam cần tối ưu thêm các khâu sấy, nghiền và đóng gói – điều này đòi hỏi sự đầu tư về thiết bị và chuyển giao công nghệ chuyên sâu.

Điều quan trọng là, thay vì chỉ chạy đua để “đuổi kịp” Nhật Bản, Việt Nam nên phát triển matcha theo cách riêng – tận dụng thế mạnh về thổ nhưỡng, giống chè và kinh nghiệm chế biến lâu đời – để tạo ra một bản sắc matcha Việt có dấu ấn riêng.

Trà Việt đổi mới: Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội toàn cầu

Trà Việt đang nắm giữ một tiềm năng to lớn, theo nhận định của doanh nhân Mai Phương. Di sản văn hóa phong phú cùng tài nguyên thiên nhiên dồi dào là những yếu tố làm nên sức mạnh của ngành trà. Từ những cây trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại các vùng cao nguyên, đến những làng nghề với bí quyết chế biến gia truyền, mỗi câu chuyện có thể trở thành yếu tố tạo dựng thương hiệu mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, sự đa dạng về nguyên liệu trà từ các vùng miền giúp Việt Nam phát triển nhiều dòng trà phù hợp với từng phân khúc khách hàng từ trà phổ thông, trà pha chế đến trà cao cấp dành cho người yêu thích nghệ thuật thưởng trà.

Mặc dù giá xuất khẩu trung bình hiện còn thấp, song những tín hiệu tích cực từ quý I/2025 cho thấy ngành trà Việt đang có sự chuyển mình rõ rệt. Xuất khẩu chè đạt 26.880 tấn, trị giá 43,07 triệu USD, tăng trưởng cả về sản lượng và giá trị. Các thị trường lớn như Pakistan và Hoa Kỳ vẫn duy trì nhu cầu ổn định, tạo cơ hội cho ngành chè Việt phát triển mạnh mẽ.

Giới chuyên gia kỳ vọng xuất khẩu chè Việt sẽ đạt 136.500 tấn vào năm 2030, nhờ vào chiến lược chuyển hướng sang các dòng sản phẩm giá trị gia tăng như chè hữu cơ, chè lạnh và trà đặc sản. Với dự báo thị trường trà toàn cầu đạt 70,19 tỷ USD vào năm 2028, cơ hội cho trà Việt vươn lên là rất lớn. Đã đến lúc trà Việt không chỉ được coi là sản phẩm nông sản mà là tài sản văn hóa, ngành công nghiệp sáng tạo, và cơ hội tỷ đô nếu được đầu tư đúng cách.

Nguyễn Tuấn Dũng

Từ khóa: