CTCP Transimex (mã chứng khoán TMS - sàn HOSE) mới công bố nghị quyết về việc đầu tư mua cổ phiếu của Công ty cổ phần Cảng Mipec (tên giao dịch MPC).
Theo đó, TMS dự kiến sẽ mua hơn 15,6 triệu cổ phiếu MPC mệnh giá 10.000 đồng/CP, chiếm tỷ lệ 25% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của Công ty. Tổng giá trị dự kiến là hơn 15,6 tỷ đồng.
Công ty cổ phần cảng MIPEC (tên giao dịch MPC) là nhà khai thác Bến cảng MPC Port. Vào tháng 5/2020, Cục Hàng hải Việt Nam đã quyết định công bố mở Bến cảng MPC Port. Bến cảng MPC Port là bến cảng chuyên dụng cho tàu chở hàng container, có thể tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn đến 40.000 DWT với chiều dài đến 220 mét ra vào thường xuyên, liên tục và an toàn.
Quay trở lại TMS, trong quý 3/2021 ghi nhận doanh thu thuần của Công ty tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.556,6 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán cũng tăng tương ứng dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp tăng 53% lên 129,8 tỷ đồng.
Kỳ này, doanh thu tài chính của Transimex tăng mạnh từ 5,7 tỷ đồng lên 24,9 tỷ đồng, tương ứng tăng 334%. Cùng với đó, các chi phí cũng đồng loạt tăng như chi phí tài chính tăng 9%, chi phí bán hàng tăng 211% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 5%. Kết quả, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 147 tỷ đồng, tăng 69% so với quý III/2021.
Tính chung 9 tháng năm 2021, doanh thu thuần của TMS đạt 4.060,7 tỷ đồng, tăng 77% so với 9 tháng năm 2021; lợi nhuận trước thuế 400,8 tỷ đồng, tăng 53% và lợi nhuận sau thuế đạt 374,4 tỷ đồng.
Với mục tiêu kinh doanh năm 2021 là mang về 3.315 tỷ đồng doanh thu và 425 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, 9 tháng, Công ty đã thực hiện được 82% chỉ tiêu doanh thu và 94% chỉ tiêu lãi trước thuế.
Đến cuối quý III, tổng tài sản của TMS ghi nhận tăng 18% so với hồi đầu năm lên 4.624 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 77% lên hơn 1.060 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng từ 5 tỷ đồng lên gần 45 tỷ đồng.
Mặt khác, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp còn 1.039 tỷ đồng; trong khi nợ vay ngắn hạn giảm 19% xuống mức 250 tỷ đồng thì nợ vay dài hạn tăng 48% lên 789 tỷ đồng.