Tham dự hội thảo về phía Trung ương có: PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cùng các đồng chí trong Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan của Trung ương.
Về phía thành phố Hà Nội có: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của thành phố.
PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu đề dẫn, nhấn mạnh hội thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) ra đời nhằm đáp ứng mục tiêu đặt ra của 3 Nghị quyết (Nghị quyết 15, Nghị quyết 06 và Nghị quyết 30 năm 2022) của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Luật Thủ đô được ban hành để quy định về các nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát triển Thủ đô Hà Nội, tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng Hà Nội thành một đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.
“Đây là luật có ý nghĩa đặc biệt vì Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa và kinh tế quan trọng của cả nước. Luật Thủ đô đã xóa nhiều rào cản hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, đồng thời khơi thông pháp lý để Thủ đô Hà Nội phát triển một cách bền vững và hiện đại”, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu rõ.
Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15): Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Thành ủy Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức nhằm làm rõ những cơ sở lý luận và thực tiễn, xác định rõ tính chất, tầm quan trọng của việc triển khai Luật Thủ đô đặt trong bối cảnh triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 10) và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh cải cách thể chế để phục vụ mục tiêu phát triển, tháo gỡ các điểm nghẽn, huy động được mọi nguồn lực để Thủ đô phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước trong thời kỳ bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
PGS.TS Lê Hải Bình đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ một số nội dung trọng tâm. Trước hết là sự cần thiết của việc triển khai Luật Thủ đô một cách kịp thời, có những chính sách “mở đường”, đột phá trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Đề xuất xây dựng một hệ thống các văn bản, quy định, giải pháp để cụ thể hoá các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước.
Đồng thời vừa nhấn mạnh tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành của đất nước, vừa làm rõ được những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô. Đây là yếu tố quyết định để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của việc triển khai thi hành Luật Thủ đô trong giai đoạn trước đây.
Từ kinh nghiệm quốc tế, gợi mở cho Hà Nội việc vận dụng những cơ chế, chính sách phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng của Thủ đô theo quy định của Hiến pháp năm 2013; giúp cho Thủ đô thực hiện hiệu quả, rõ nét hơn chức năng, nhiệm vụ không chỉ là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, mà còn là trung tâm lớn về kinh tế, về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế; có sự so sánh giữa Luật Thủ đô với một số luật của Thủ đô một số nước trên thế giới.
PGS.TS Lê Hải Bình nhấn mạnh những yêu cầu quản trị, phát triển đặt ra đối với Hà Nội - một Thủ đô có quy mô dân số lớn so với thủ đô của các nước thế giới, của một quốc gia có quy mô dân số rất lớn, có nền kinh tế đang trong quá trình phát triển nhanh.
Từ đó, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách rất mới, có những cơ chế, chính sách chưa được quy định trong Luật Thủ đô, gợi mở cho việc tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về Thủ đô. Nhiều cơ chế, chính sách được đề xuất trong các tham luận phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Ban tổ chức nhận được 62 bài viết của các tác giả là nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về nhiều chủ đề, nhiều khía cạnh khác nhau của việc thực hiện Luật Thủ đô.
Trình bày tham luận tại hội thảo, Tiến sỹ Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nêu một số vấn đề thực hiện Luật Thủ đô liên quan đến phát triển nông nghiệp,biến đổi khí hậu, liên quan các dòng sông, chống ngập úng trên địa bàn Tp. TS Cao Đức Phát chia sẻ, khoảng 20 năm trở lại đây, thành phố không còn tình trạng phải đi cứu hộ đê nữa, đồng thời lâu lắm mới xuất hiện cảnh tượng chèo thuyền ở Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội). Nguyên nhân bởi trên vùng thượng du (miền rừng núi ở vùng thượng lưu các con sông) đã có nhiều hồ chứa, làm giảm lượng nước về Hà Nội trong mùa lũ. Song, nguyên Bộ trưởng Bộ NN và PTNT cũng lưu ý biến đổi khí hậu sẽ đem đến nhiều cực đoan, như cực đoan khô, cực đoan lũ và nhiều vấn đề khác. Do đó, việc triển khai các văn bản pháp luật phải mang tính “dài hơi”, không chỉ trong khoảng thời gian 10 - 15 năm.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế & Đồ uống, để đưa Luật Thủ đô vào thực tiễn hiệu quả thông qua tuyên truyền, phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí của Trung ương và thành phố; trách nhiệm của chính quyền thành phố, các sở, ngành, đoàn thể, đơn vị trong thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành như mục tiêu kế hoạch đề ra, công tác tuyên truyền cần tập trung vào các giải pháp sau:
Một là, công tác tuyên truyền phải bám sát các khâu, lộ trình và nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tuyên truyền kịp thời và hiệu quả. Hai là, tăng cường công tác truyền thông đại chúng bằng việc chủ động mở chuyên trang, chuyên mục, gia tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền. Tổ chức hội nghị trực tuyến, các buổi hội thảo, hội nghị chuyên đề, chiến dịch truyền thông cộng đồng về Luật Thủ đô. Đẩy mạnh tuyên truyền trong hệ thống giáo dục và cơ quan nhà nước.....
Hội thảo không chỉ làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong triển khai Luật Thủ đô, có giá trị nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho các chủ thể tham gia công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thi hành Luật Thủ đô, mà còn gợi mở những tầm nhìn, tư duy, hành động mang tính đột phá, tạo ra xung lực mới cho sự phát triển xứng tầm của Hà Nội hiện tại và tương lai.