Triết lý nhân sinh sâu sắc từ câu chuyện thưởng trà

Trà là thức uống thử lòng người, bởi chỉ những ai chịu được vị đắng của ngụm trà đầu tiên mới có thể thưởng thức được dư vị thanh tao động lòng phía sau đó.

"Tuần nước thứ nhất, tựa như gió thoảng

Tuần nước thứ hai, tựa như dòng xuân xanh

Tuần trà thứ ba, tựa như ánh trăng chiếu rọi..."

Triết lý nhân sinh sâu sắc từ câu chuyện thưởng trà - Ảnh 1

Mỗi tuần nước, hương vị trà đều có sự khác biệt. Qua nhiều lần đắn đo, cân nhắc, chung quy lại, hai người bạn trà lâu năm ấy vẫn chưa tìm được đáp án cho câu trả lời: "Trà ở tuần nước nào thì uống ngon nhất?" trong khi đó, họ đã bỏ lỡ việc thưởng thức trà ở thời điểm nên thưởng thức nhất.

Theo ghi chép trong lịch sử của Trung Hoa, trà đã xuất hiện và thịnh hành tại đất nước này từ hàng cách đây hàng ngàn năm. Lịch sử trồng trà của Trung Quốc đã kéo dài hơn 2000 năm và hình thành những vùng đất chuyên canh trà nổi tiếng như: Giang Tô, An Huy, Hồ Nam, Chiết Giang, Tứ Xuyên, Vân Nam, Thiểm Tây, Giang Tây, Hồ Bắc… Đối với người Hoa, trà không chỉ là thức uống thanh nhiệt, giải độc, có tác dụng chữa bệnh mà còn là một môn nghệ thuật, một nét văn hoá lâu đời có sự kết hợp hài hoà giữa trà và Đạo.

Đức Phật dạy: Sinh mệnh nằm trong từng hơi thở của hiện tại. Tiếc thay, cuộc đời của mỗi con người dường như cũng quẩn quanh trong nỗi băn khoăn những người mãi đi tìm những điều hơn nhất.

Khi cầm lên một chén trà, uống một ngụm trà vào thời điểm ấy, bạn không hề biết lần pha trước đó, chén trà ấy có vị ra sao, cũng chẳng thể hiểu lần pha tiếp theo, vị của nó sẽ biến đổi như thế nào. Bởi chỉ có hương vị trà ở thời điểm hiện tại đã chiếm trọn vị giác và tâm trí của bạn.

Đừng phí hoài thanh xuân bằng cách so sánh cuộc đời ở "thì hiện tại" với "thì tương lai" hay "thì quá khứ". 

Thay vào đó, hãy trân trọng từng giây phút được nhìn thấy ánh dương, được hít căng lồng ngực, được lắng tai nghe những âm thành từ dòng người tấp nập xung quanh. Tận hưởng sinh khí, giá trị của hiện tại chính là cách ta sống hết mình với cuộc đời mang tên ta.

Văn hoá trà đạo Trung Hoa thể hiện những đặc trưng truyền thống của tinh thần phương Đông, là sự kết hợp hài hoà của “Trà” và “Đạo”. Người phương Đông, đặc biệt là người Trung Hoa, tin rằng trong tất cả các ngành nghề xã hội đều có “Đạo” và mọi người đều có lòng “cầu Tiên mộ Đạo”, bởi thế mà từ lâu, người xưa đã nâng tầm thưởng thức trà lên thành “Trà Đạo”. Văn hoá trà đạo được hiểu là một loại văn hoá “trung gian”: lấy trà vật dẫn, kế thừa tinh thần của văn hoá truyền thống. Trà đạo được cấu thành bởi “Trà lễ, trà quy, trà pháp, trà kỹ, trà nghệ và trà tâm. Người xưa thông qua việc thưởng trà để đàm Đạo, bàn luận về thế thái, nhân sinh.

Đặc tính của trà là đắng. Người xưa thưởng thức vị đắng của trà để ngẫm nghĩ về vị đắng của đời người. Song cái đắng của trà là đắng trước, ngọt sau, trong đắng có ngọt, từ đó mà hiểu ra được đạo lý làm người: khổ trước, sướng sau. Trà đạo Trung Hoa cũng chú trọng “Hoà tĩnh di chân” nghĩa là sự hài hoà, tĩnh lặng, vui vẻ và chân thật, lấy sự tĩnh lặng để đạt tới trạng thái “tâm trai, toạ vong”, gạt bỏ những chấp niệm sai lầm để hạnh ngộ con đường đi tới đắc Đạo. Trước khi uống trà, người ta phải buông bỏ những phiền muộn, cố chấp trong lòng để có tâm thế bước vào cảnh giới của cái Đẹp, lĩnh hội những mỹ cảm như màu sắc, hương vị và cả những hình tượng ẩn sâu trong đó. Từ đó, người xưa vừa thưởng trà vừa tĩnh lặng quan sát, suy tư về nhân sinh, bồi dưỡng tâm tính.

Năm xưa, người bị mang danh "gian tặc" như Tào Tháo lập nghiệp từng bị nhiều người ghét bỏ, mà người nổi danh "nhân nghĩa" như Lưu Bị cũng có không ít kẻ thù.

Sống ở trên đời, muốn làm việc lớn thì không nên quá quan tâm đến cái nhìn của người khác về bạn mà chỉ cần kiên trì làm tốt việc của mình, đi hết con đường mình đã chọn.

Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, bạn hãy dừng lại, hít một hơi thật sâu, uống một chén trà xanh, nghe một khúc nhạc du dương để cho tâm hồn hòa làm một với âm nhạc thanh tao và ly trà thanh mát.

Đời người thực ra không khác việc thưởng trà cho lắm. Nếu chỉ nhấp một ngụm đầu, vị đắng sẽ át hết tâm trí. Nhưng khi thưởng thức trọn vẹn chén trà ấy, ta sẽ cảm nhận trọn vẹn hương vị thanh tao sẽ thấm đượm lên từng tấc lưỡi. Đời người giống như một chén trà, khó khăn, khổ đau chỉ trong phút chốc như vị đắng của ngụm trà đầu tiên mà thôi.

Trà đạo bản chất là từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống mà lĩnh hội được sự huyền bí của vũ trụ và những triết lý sâu sắc của nhân sinh. Trong việc thưởng trà, người ta phải buông xuống công việc đang làm, buông lỏng tâm trạng căng thẳng để hoà mình vào thế giới trà đạo, cũng vì thế mà thấu cảm được sự “buông bỏ” trong đời người: buông bỏ nỗi phiền não, buông bỏ danh lợi, chấp niệm, dục vọng… để hướng đến cái Chân, Thiện, Mỹ; tự nhiên sẽ được thoải mái, ung dung.

Hoài Anh (t/h)