Báo cáo tổng kết của VIMC năm 2023 cho thấy, sản lượng vận tải biển toàn tổng công ty ước đạt 20,6 triệu tấn, sản lượng hàng thông qua cảng đạt 113,5 triệu tấn, mang lại doanh thu 17.964 tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch năm 2023.
Đặc biệt, lợi nhuận của VIMC đạt 2.084 tỷ đồng, tuy chỉ bằng 90% kế hoạch, nhưng vẫn đứng vị trí thứ 59 trong Top 100 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023.
Theo VIMC, dù thị trường diễn biến khó khăn, song doanh nghiệp và các đơn vị thành viên đã không ngừng tìm kiếm nhiều giải pháp mới để bù đắp sự sụt giảm của thị trường. Các đơn vị thành viên như Vosco, VLC, Vinaship đã nỗ lực triển khai thuê tàu ngoài vào khai thác, giúp tăng trưởng sản lượng, doanh thu, lợi nhuận.
Trong đó, Vosco đã mở rộng hoạt động thương mại nhằm tăng doanh thu, giành được quyền vận chuyển, bước đầu đem lại hiệu quả với doanh thu của Vosco đạt 1.382 tỷ đồng. Kết quả này giúp doanh thu khối vận tải biển toàn VIMC ước đạt 6.261 tỷ đồng (bao gồm doanh thu công ty mẹ), vượt 22% kế hoạch.
Ngoài ra, hệ thống cảng biển của VIMC trong năm 2023 tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh ngày một lớn. Các cảng biển tư nhân liên tục ra đời, với sự linh hoạt rất cao trong chính sách giá, đây là lợi thế lớn trong công tác phát triển khách hàng.
Thời gian tới, VIMC tập trung thúc đẩy việc xin phê duyệt chủ trương đầu tư của các dự án: Dự án cảng Cần Giờ (TP HCM), dự án cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng). Ngoài ra, với chiến lược phát triển mở rộng các ICD để tạo thành chuỗi dịch vụ logistics, VIMC đã nghiên cứu phát triển một số ICD tại Ninh Giang (Hải Dương), Lạch Huyện (Hải Phòng), Tuy Phước (Bình Định)...
Tính đến cuối tháng 12/2023, hệ thống cảng của VIMC gồm 84 cầu cảng có tổng chiều dài 13.882 m, chiếm hơn 26% tổng số cầu cảng và gần 17% tổng số chiều dài cầu cảng của cả nước, công suất thiết kế hệ thống cảng của VIMC khoảng 60 triệu tấn hàng rời và hơn 6,5 triệu teu hàng container.
Tổng công ty cũng sở hữu, quản lý đội tàu gồm 59 chiếc, trong đó có 4 tàu dầu (chiếm 5% tổng trọng tải đội tàu VIMC), 10 tàu container (chiếm 7% tổng trọng tải đội tàu VIMC), 45 tàu hàng khô (chiếm 88% tổng trọng tải đội tàu VIMC). Tuổi tàu trung bình là 20 tuổi. Tổng trọng tải đội tàu khoảng 1,3 triệu DWT, trọng tải bình quân 23.019 DWT/tàu. Đội tàu của VIMC chiếm trọng tải tương đương khoảng 21% đội tàu của Việt Nam.
Trong lĩnh vực dịch vụ hàng hải, các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải của VIMC quản lý và khai thác các trung tâm phân phối hàng hoá, ICD trên toàn quốc như Depot Nam Hoà, ICD Lào Cai, hệ thống kho CFS tại Đình Vũ, Hải Phòng, … Tổng diện tích kho, bãi khoảng 543.765 m2.
Năm 2024 được dự báo thị trường vận tải biển sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi chiến tranh tiếp tục căng thẳng, leo thang tại nhiều khu vực kéo theo nhiều hệ lụy, sức tiêu dùng chưa có dấu hiệu phục hồi gây ảnh hưởng tới nhu cầu vận tải hàng hóa. Các yếu tố khác như hạn hán tại kênh đào Panama, những cuộc tấn công lên các tàu thuyền thương mại liên tục leo thang ở khu vực biển Đỏ, kênh đào Suez gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu và có thể dẫn tới tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn cung tàu cũng dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ khi các hãng tàu bắt đầu nhận bàn giao tàu mới sau 2 năm chờ đóng. Trong khi đó, dự báo chỉ có số lượng thấp tàu được đem đi phá dỡ. Hoạt động kinh doanh của các hãng tàu suy giảm nghiêm trọng. Các hãng tàu phải cắt giảm mạnh chi phí hoạt động (hãng tàu Cosco đã cắt giảm 37% chi phí hoạt động so với năm 2022) dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán giá dịch vụ giữa các cảng và hãng tàu.
Xu hướng tăng size tàu đặc biệt đối với size tàu đi châu Âu (cỡ tàu lớn nhất lên tới hơn 24.000 TEU). Điều này dẫn tới việc mất đi cơ hội đối với các cảng của VIMC như SSIT, CMIT, SP-PSA, lợi thế hoàn toàn thuộc về Gemalink.
Riêng đối với VIMC, những thách thức còn đối mặt như đội tàu già (tuổi tàu trung bình là 20 tuổi), tính năng kỹ thuật kém, không đồng bộ, quy mô đội tàu ngày càng thu hẹp do quá trình tái cơ cấu cũng như do vướng mắc trong quy định về thủ tục đầu tư nên nhiều năm nay các doanh nghiệp của VIMC chưa đầu tư phát triển được đội tàu.
Đối với khối cảng biển, VIMC chịu áp lực ngày càng gay gắt từ khối tư nhân cũng như sự ra đời của nhiều cảng mới tại tất cả các khu vực có lợi thế hơn vị trí cảng của VIMC. Với khối dịch vụ, phương tiện thiết bị của nhiều đơn vị còn hạn chế nên phải thuê ngoài nhiều, làm tăng chi phí. Vị trí kho bãi không thuận lợi, cách xa trung tâm khai thác cảng, cơ chế chính sách đối với khách hàng còn thiếu linh hoạt, không còn ưu thế cạnh tranh.
Theo đó, sang năm 2024, VIMC lên mục tiêu sản lượng vận tải biển đạt 15,8 triệu tấn, bằng 76% ước thực hiện năm 2023, do thanh lý, giảm số lượng tàu. Sản lượng khối cảng biển kỳ vọng đạt 123,7 triệu tấn, tăng 9%.
Doanh thu mục tiêu đạt 17.742 tỷ đồng, giảm 1% so với ước tính 2023 nhưng lợi nhuận kỳ vọng tăng 4% lên 2.169 tỷ đồng do thanh lý tàu già hết khấu hao.
Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, bối cảnh địa chính trị và kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến không thuận lợi cho ngành hàng hải khiến cạnh tranh khốc liệt không khác gì "một cuộc chiến" và sức mua của thị trường suy giảm. VIMC cần phải giữ vững thị trường, thị phần, khách hàng như giữ trận địa.
Được biết, VIMC thành lập năm 1995 theo Quyết định số 250/TTg của Thủ tướng Chính phủ với sứ mệnh là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam, trải qua 25 năm hình thành và phát triển VIMC là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc mở cửa hợp tác, hội nhập quốc tế, cung cấp dịch vụ Hàng hải trên phạm vi toàn cầu đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế biển của Việt Nam. VIMC chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 18/08/2020.
Tiến Hoàng