Cụ thể, doanh thu thị trường Trung Quốc đạt 117 tỷ đồng, tăng 259% so với cùng kỳ; doanh thu thị trường Mỹ đạt 185 tỷ đồng, tăng 59%; doanh thu thị trường Việt Nam đạt 325 tỷ đồng, tăng 137%; doanh thu thị trường Châu Âu đạt 154 tỷ đồng, tăng 33%; và các thị trường khác ghi nhận 140 tỷ đồng, tăng 159% so với cùng kỳ.
Nếu so sánh doanh thu tháng 1/2024 với tháng 12/2023, tổng doanh thu tăng 13%. Trong đó, Doanh thu thị trường Trung Quốc tăng 52%; thị trường châu Âu tăng 14%; thị trường Việt Nam tăng 20%; thị trường Mỹ giảm 9%; và các thị trường khác tăng 10%.
Về mặt hàng, tháng đầu năm 2024, doanh thu từ cá tra của Vĩnh Hoàn tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023, lên mức 448 tỷ đồng. Đáng chú ý, có 3 mặt hàng của VHC ghi nhận tăng trưởng tới 3 con số, bao gồm sản phẩm tăng 226% (đạt 175 tỷ đồng), sản phẩm hỗn hợp khác tăng 226% (đạt 74 tỷ đồng) và sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng 149% (đạt 16 tỷ đồng).
Sản phẩm giá trị gia tăng là mặt hàng duy nhất của Vĩnh Hoàn có đà giảm so với cùng kỳ năm 2023 khi giảm 36%, còn đạt 8 tỷ đồng.
Xét về sản phẩm, mảng cá tra đóng góp tới gần một nửa tổng doanh thu với 448 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Các mảng sản phẩm phụ, sản phẩm khác, bánh phồng tôm cũng lần lượt tăng trưởng mạnh, lần lượt 226%, 142% và 78%. Mảng chăm sóc sức khỏe ở mức 74 tỷ đồng, tăng 239% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về hoạt động kinh doanh, trước đó, trong quý IV/2023, Công ty Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 2.395,7 tỷ đồng, giảm 3,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 47,64 tỷ đồng, giảm 74,7% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp suy giảm mạnh từ 19,2%, về chỉ còn 8,2% (mức thấp kỷ lục).
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 59% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 3.192,2 tỷ đồng, về 195,27 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 20,4%, tương ứng giảm 18,96 tỷ đồng, về 73,89 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 66,4%, tương ứng giảm 73,22 tỷ đồng, về 37,07 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 33,2%, tương ứng giảm 73,82 tỷ đồng, về 148,34 tỷ đồng; và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong kỳ mặc dù đã tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp nhưng lợi nhuận vẫn giảm 74,7%, nguyên nhân chủ yếu do biên lợi nhuận gộp sụt giảm kỷ lục.
Trong đó, lý giải lợi nhuận lao dốc trong quý IV/2024, Công ty Vĩnh Hoàn cho biết do sản lượng bán và giá bán giảm.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy hải sản (VASEP), dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục và tăng mạnh vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự đoán các doanh nghiệp thủy sản sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5-10 tỷ USD năm 2024. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6-3,8 tỷ USD.
Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, nhu cầu cá tra trên toàn cầu dự báo sẽ phục hồi trên diện rộng từ nửa cuối năm nay; trong khi đó, nguồn cung cá tra tại Việt Nam dự kiến sẽ rơi vào trạng thái thiếu hụt.
Những yếu tố này kỳ vọng sẽ giúp giá cá tra xuất khẩu phục hồi tích cực trong thời gian tới sau khi suy giảm mạnh trong năm 2023. Qua đó, thúc đẩy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra như Thuỷ sản Vĩnh Hoàn.
Tuy nhiên, những căng thẳng trên Biển Đỏ hiện nay đang gây ra khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa xuất khẩu nói chung và hàng thủy sản nói riêng vì cước vận chuyển tăng cao. Giá bán đến tay người tiêu dùng tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng.
Tiến Hoàng