Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chủ lực nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam

Nửa cuối năm 2022 được coi là thời điểm khởi sắc của nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, khi có tới 5 mặt hàng lần lượt được cấp phép nhập khẩu vào thị trường này.

Trung Quốc đã cho phép nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam được xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Trung Quốc đã cho phép nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam được xuất khẩu theo đường chính ngạch.

Tính đến hiện tại, Trung Quốc đã cho phép nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam được xuất khẩu theo đường chính ngạch bao gồm chanh leo, sầu riêng, chuối, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, măng cụt, vải, chôm chôm, ớt, thạch đen, cám gạo và gạo.

Sau khi thực hiện chiến lược “Zero Covid”, từ đầu năm 2023 Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại với nhiều chính sách nới lỏng về xuất, nhập cảnh tạo thuận lợi về xuất, nhập khẩu hàng hóa đã giúp hoạt động thương mại giữa hai quốc gia có sự cải thiện.

Nhằm tranh thủ các cơ hội khi Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị đánh giá toàn diện các biện pháp điều chỉnh chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc đến sản xuất và xuất khẩu của nước ta để có giải pháp hỗ trợ DN. Phối hợp với các địa phương nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã xác định tập trung cao độ hỗ trợ các DN Việt Nam chuyển đổi, khai thác tối đa mọi cơ hội để xuất khẩu những loại quả và thực phẩm được Trung Quốc cho xuất khẩu chính ngạch gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, sầu riêng, khoai lang, tổ yến.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) chia sẻ, thực tế trước đây, do đặc thù về vị trí địa lý nên hình thức buôn bán tiểu ngạch rất phát triển và sôi động. Hiện nay, Trung Quốc đang thực thi chủ trương đưa hoạt động thương mại vào chính quy, do đó đòi hỏi hàng hóa Việt Nam cần hướng đến xuất khẩu chính ngạch với phía bạn.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản chính ngạch sang thị trường tỷ dân này, ông Tô Ngọc Sơn khuyến cáo các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.

“Các DN cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, DN phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường”, ông Sơn khuyến nghị.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), đồng thời đưa ra các đề xuất nhằm thúc đẩy, tạo đột phá hợp tác kinh tế thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hai bên.

Bộ trưởng đề nghị phía Vân Nam nhanh chóng khôi phục hoàn toàn hoạt động của các cửa khẩu, lối mở giữa Việt Nam - Vân Nam. Tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu, tạo điều kiện để lái xe Việt Nam có thể ở lại qua đêm tại cửa khẩu phía Trung Quốc, trong trường hợp hàng hóa chưa thông quan kịp trong ngày. Xem xét dỡ bỏ yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ đối với lái xe khi nhập cảnh, để giúp thuận lợi hóa thông quan...

Bộ trưởng cũng đề nghị phía Vân Nam nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí logistics và nâng cấp hạ tầng phục vụ nhập khẩu thủy hải sản từ Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Vân Nam và các tỉnh trong nội địa Trung Quốc, qua đó đưa mặt hàng này trở thành “điểm tăng trưởng mới” trong thương mại Việt Nam - Vân Nam.

Tiến Hoàng