Tượng đài chiến công anh hùng Cù Chính Lan - Biểu tượng của lòng dũng cảm

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tại xóm Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, Hoà Bình là nơi diễn ra những trận đánh rất quyết liệt giữa ta và địch, nơi đây gắn với chiến công diệt xe tăng Pháp của anh hùng Cù Chính Lan.

Di tích ghi dấu chiến công diệt xe tăng của anh hùng Cù Chính Lan nằm ở dốc Giang Mỗ cạnh đường 6A (cũ) thuộc địa phận xóm Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình. Ảnh: Phi Long
Di tích ghi dấu chiến công diệt xe tăng của anh hùng Cù Chính Lan nằm ở dốc Giang Mỗ cạnh đường 6A (cũ) thuộc địa phận xóm Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình. Ảnh: Phi Long

Cuối năm 1951, thực dân Pháp mở rộng cuộc tấn công ra vùng tự do của ta ở Hoà Bình, nhằm cắt đứt liên lạc giữa Việt Bắc và Khu 3, Khu 4 để dành lại quyền chủ động trên chiến trường chính. Ở Hoà Bình chúng thực hiện kế hoạch thành lập “Xứ Mường tự trị” để phá hoại khối đoàn kết dân tộc. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng chỉ thị đánh địch trên cả hai mặt trận là Hoà Bình và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cuối tháng 11 năm 1951 Tổng quân Uỷ quyết định mở chiến dịch Hoà Bình.

Trong trận đánh tại Giang Mỗ ngày 13/12/1951, khi quân Pháp lọt vào trận địa, quân đội ta đã nổ súng quyết liệt, diệt gọn một đại đội địch, lúc chuẩn bị rút thì xe tăng Pháp tới tiếp viện, bắn dữ dội vào đội hình của ta, chặn đường rút và làm nhiều chiến sỹ thương vong. Cù Chính Lan đã nhanh chóng nhảy lên xe tăng, kề tiểu liên vào khe hở trên tháp xe bóp cò, nhưng không diệt được địch do tiểu liên bị hóc, chiếc xe tăng vẫn vừa chạy vừa bắn, Cù Chính Lan đã kêu gọi đồng đội tập trung lựu đạn đến cho mình rồi lại tiếp tục nhảy lên, giật nắp quăng lựu đạn vào trong xe, giặc nhặt lựu đạn ném trả lại và lái xe tăng chuyển hướng. Thời cơ diệt xe tăng địch ngay trước mắt, với quyết tâm không để xe của địch chạy thoát và tạo thế chủ động cho đồng đội, Cù Chính Lan táo bạo mở chốt lựu đạn một lần nữa, chờ cho khói thuốc xì ra vài giây rồi mới ném vào buồng lái. Kết quả sự nỗ của anh là lựu đạn nổ, giặc bị tiêu diệt, quân đội ta phản công và giành thắng lợi.

Trong chiến thắng oanh liệt tại dốc Giang Mỗ với tinh thần quả cảm tuyệt vời, anh hùng Cù Chính Lan và các chiến sĩ tiểu đoàn 353 trung đoàn 66 đã được diệt xe tăng của thực dân Pháp, mở đầu phong trào đánh xe tăng, phương tiện chiến đấu hiện đại của địch bằng vũ khí thông thường. Với chiến công này anh đã được Bộ Tổng Tư lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba với danh hiệu Anh hùng đánh xe tăng. Sau đó không lâu, cuối tháng 12 năm 1951 trong một trận đánh khác, mặc dù bị thương nặng, anh hùng Cù Chính Lan vẫn không rời trận địa, tiếp tục chỉ huy tiểu đội phá nhiều hàng rào dây thép gai tiến vào lô cốt địch, khi quân ta giành chiến thắng cũng là lúc anh trút hơi thở cuối cùng, anh hi sinh khi đang ở độ tuổi 20. Tháng 5/1952 tại Đại hội Chiến sỹ Thi đua toàn quốc lần thứ nhất, liệt sĩ Cù Chính Lan đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tượng đài chiến công anh hùng Cù Chính Lan. Ảnh: Phi Long
Tượng đài chiến công anh hùng Cù Chính Lan. Ảnh: Phi Long

Để ghi nhớ chiến công của người anh hùng Cù Chính Lan, của quân và dân ta, năm 1965, ngành Văn hóa tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) đã đề nghị ghi danh sự kiện anh hùng này. Năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công nhận khu di tích lịch sử Cù Chính Lan là di tích quốc gia. Năm 1994, tỉnh ta đã khởi công xây dựng khu di tích, dựng đài tưởng niệm Anh hùng diệt xe tăng. Đến năm 2008, Bộ VH-TT và tỉnh ta thống nhất di dời đài tưởng niệm về cơ sở mới tại xóm Mỗ I, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. Công trình được xây dựng trên tổng diện tích 3.638 m2, trong đó tượng và bệ tượng được chế tác từ nguồn nguyên liệu đá xanh Thanh Hóa có chiều cao 8,5 m, tổng thể tích 160,4 m3.Tên anh hùng Cù Chính Lan được chọn đặt cho trường tiểu học Cù Chính Lan và trường THCS Cù Chính Lan (phường Chăm Mát, TP Hòa Bình).

Bia đá lời giới thiệu về chiến công anh hùng Cù Chính Lan. Ảnh: Phi Long
Bia đá ghi lời giới thiệu về chiến công anh hùng Cù Chính Lan. Ảnh: Phi Long

Trao đổi với ông Đinh Văn Lân - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thanh cho biết: “Đài tưởng niệm được dựng lên khẳng định thêm niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Hòa Bình và là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, phấn đấu, rèn luyện trở thành người chủ xây dựng quê hương, đất nước. Di tích nằm trong khuôn viên ngay cạnh đường giao thông đi trung tâm Hồ Hòa Bình, gắn với bản du lịch dân tộc Mường xóm Mỗ và tuyến du lịch Hồ Hoà Bình, là điểm đến lý tưởng cho du khách mong muốn trở lại thăm chiến trường xưa”./.

Phi Long - Thanh Phong/VP Tây Bắc

Từ khóa:
#h