Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến năm 2020, cả nước có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, tập trung ở vùng miền núi phía bắc và Tây Nguyên, với diện tích khoảng 124 nghìn ha, năng suất chè đạt 95 tạ/ha (cao nhất từ trước đến nay), sản lượng hơn 1,02 triệu tấn.
Nếu như trong giai đoạn 2011 - 2015, diện tích chè tăng từ 127,8 lên 133,6 nghìn ha, thì đến cuối năm 2019, diện tích có xu hướng giảm, nhưng năng suất tăng mạnh từ 7,68 lên 9,48 tấn/ha, nhờ đó sản lượng chè giai đoạn 2011 - 2019 tăng 18,4%. Có được kết quả này là do các tỉnh xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp cơ cấu lại cây chè, mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn, hữu cơ, chất lượng cao, bảo tồn giống chè đặc sản, thay đổi tập quán canh tác, thu hái, vận chuyển chè, đầu tư đổi mới công nghệ chế biến.
Hiện nay tỉnh Tuyên Quang với quy mô đóng góp của các thương hiệu hè trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2020 đã có 15 sản phẩm chè được đăng ký nhãn hiệu; có 20 sản phẩm chè được xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 08 sản phẩm xếp hạng 4 sao, 12 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Nhiều sản phẩm sau khi được đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, được xếp hạng sản phẩm OCOP sản lượng tiêu thụ tăng cao, giá bán từ 350.000 – 500.000 đồng/kg, tiêu biểu như: Chè Shan Tuyết Hồng Thái Lộc Trà, Chè xanh Ngọc Thuý đinh, Chè xanh Ngọc Thuý nõn, Trà xanh hữu cơ Trung Long, Chè xanh Tâm Trà, Chè Shan Kia Tăng.
Ông Lê Quang Chuyền- Giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm chia sẻ: Hiện trung bình mỗi năm, công ty sản xuất được 2.000- 2.300 tấn chè, trong đó gần 70% sản lượng đạt chuẩn Rainforest, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU và Nhật Bản. Để duy trì và phát triển kết quả này, công ty đã đẩy mạnh việc thực hiện mô hình liên kết giữa nhà máy với các tổ đội sản xuất. Tại các vùng sản xuất chè, người dân đều được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và thu hái chè theo tiêu chuẩn VietGAP; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng…
Tại Hợp tác xã chè Sử Anh, thực hiện mô hình liên kết sản xuất với bà con nông dân hiện nay vào khoảng 60ha, tập trung chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội tiêu trong nước. Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh chia sẻ, mặc dù năm nay dịch covid-19 tiếp tục bùng phát, nhưng với kế hoạch chuẩn bị nên đơn vị chỉ sản xuất cầm chừng không làm ồ ạt như mọi năm.
“Sau khi dịch covid-19 đi qua, nhằm định hướng nâng cao hiệu quả kinh tế bằng cây chè, HTX dự kiến sẽ chủ động nâng cao sản xuất chế biến, thay đổi công nghệ bằng các thiết bị hiện đại, đa dạng mẫu mã hàng hóa sản phẩm để hướng tới điều kiện và cơ hội xuất khẩu tốt hơn” Anh Sử cho biết.
Tại Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Tuyên Quang vẫn luôn xác định cây chè là cây trồng chủ lực của tỉnh. Theo Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang, nhằm phát huy giá trị kinh tế của cây chè cần giữ ổn định diện tích cây chè, đẩy nhanh trồng thay thế chè giống Trung du đã già cỗi bằng các giống chè lai, chè đặc sản có năng suất cao, chất lượng tốt.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào đầu tư thâm canh tăng năng suất chè nguyên liệu, trong đó chú trọng các khâu: Sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước chủ động, kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Tập trung hỗ trợ mở rộng diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn như: VietGAP, nông nghiệp bền vững, hữu cơ,…
Ông Nguyễn Văn Việt- Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh đánh giá: Để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển sản xuất, chế biến chè, các địa phương cần thực hiện tốt quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu chè cho từng nhà máy, cơ sở chế biến để quản lý theo quy hoạch, bảo đảm giữ ổn định diện tích chè hiện có. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng trồng chè ngoài quy hoạch, trồng chè trên đất lâm nghiệp. Ngoài ra, cần xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu chè gắn với các nhà máy chế biến để từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của người lao động.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp lãnh đạo trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở chế biến với người trồng chè; áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè. Sản phẩm chè nhờ đảm bảo chất lượng nên giá bán chè khô sẽ cao hơn, thị trường cũng ngày càng được mở rộng hơn. Mô hình liên kết sản xuất mới còn giúp xây dựng được tính cộng đồng, đoàn kết và tác phong công nghiệp cho người nông dân trên địa bàn.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Huy Đức