Hiện nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 7 huyện, thành hội, 138 cơ sở hội và 1.678 chi hội nông dân với 117.828 hội viên; bình quân mỗi năm các cơ sở hội kết nạp mới trên 3.000 hội viên. Trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp đã phát huy vai trò là trung tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”. Các cấp hội đã không ngừng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết tập hợp, phát triển hội viên, làm cho nông dân có ý thức rõ về sứ mệnh, vai trò chủ thể của mình, là nhân tố trung tâm của quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.
Hội Nông dân huyện Lâm Bình hiện có trên 9.000 hội viên đang tham gia sinh hoạt tại 100 chi hội thôn, bản. Để giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế xã hội, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề… từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của cán bộ, hội viên nông dân trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương và xu hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, Phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được quan tâm, chú trọng ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tổ chức Hội đã phối hợp tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, tập huấn hộ, sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở và các tổ Hội Nghề nghiêp, hộ sản xuất kinh doanh với trên 50 người tham dự. Lập hồ sơ luân chuyển bò Chương trình 530 được 57/64 con theo kế hoạch.
Đến nay, tổ chức Hội nhận uỷ thác cho 1.906 hộ vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, với tổng dự trợ trên 93 tỷ đồng; 1.937 hộ vay gần 135 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Toàn huyện Lâm Bình có 14 tổ hội nghề nghiệp đã được thành lập, mỗi tổ có từ 8 đến 10 thành viên tham gia, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vự chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản và đang hoạt động có hiệu quả theo chuỗi liên kết giá trị.
Bên cạnh giúp hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội Nông dân huyện Lâm Bình đã tăng cường công tác tuyên truyền,vận động nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới; vai trò chủ thể của nông dân, trách nhiệm của tổ chức Hội trong xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, phù hợp, hiệu quả như: thông qua hội nghị, hội thi, sinh hoạt chuyên đề, qua hệ thống loa truyền thanh địa phương… qua đó, đã thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia, tạo sự đồng thuận của hội viên trong quá trình tổ chức thực hiện.
Hiện nay, trong tổ chức Hội có 100 mô hình tự quản về vệ sinh môi trường tại 100 cơ sở chi hội gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Từ đầu năm 2022 đến nay, các cấp Hội đã vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia đóng góp trên 12.000 ngày công lao động, sửa chữa các công trình thuỷ lợi đập đầu mối, nạo vét tu sửa trên 30 km kênh mương với khối lượng đào đắp trên 4.200 m3 đảm bảo nước tưới, tiêu cho sản xuất vụ Xuân, vụ Mùa năm 2022. Vận động hội viên tham gia trên 5.900 ngày công lao động giúp các hộ nghèo làm nhà xóa nhà tạm.
Thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”, giai đoạn 2017 - 2022, các cấp hội nông dân trong tỉnh Tuyên Quang đã huy động hội viên nông dân đóng góp 18,977 tỷ đồng, trên 78.600 ngày công lao động, hiến trên 47.100 m2 đất, làm mới, sửa chữa được 2.032,4 km đường giao thông nông thôn, xây dựng 5 nhà văn hóa; hỗ trợ làm mới và sửa chữa 808 nhà ở cho hội viên nông dân nghèo. Các cấp hội tuyên truyền, vận động người dân phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt tại nguồn; vận hành có hiệu quả các tổ liên kết, tổ tiết kiệm vay vốn giúp hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ hội viên nông dân 6.200 tấn phân bón chậm trả, trị giá trên 46 tỷ đồng; quản lý hiệu quả chương trình vay bò, trả bê. Đến nay, tổng số hộ hưởng lợi từ chương trình này là 4.737 hộ, trong đó gần 1.500 hộ thoát nghèo.
Với những nỗ lực chung sức xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 54 xã đã được công nhận nông thôn mới, 8 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao và 1 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu. Để xây dựng tổ chức hội vững mạnh, có đủ năng lực tập hợp, đoàn kết, phát huy dân chủ, sáng tạo của hội viên nông dân, thời gian tới, các cấp hội tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội viên, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nông dân; tạo mọi điều kiện cho cán bộ, hội viên nông dân được học tập, học nghề; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; tiếp cận thị trường, nâng cao trình độ, trở thành chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…