Tuyên Quang: Tìm giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ giúp ngành chè vượt khó

Để đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ đối với ngành chè của tỉnh trong bối cảnh dịch covid-19 bùng phát, các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng nhiều hơn tới chất lượng sản phẩm cũng như nắm vững tâm lý của người tiêu dùng.

Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng cũng như giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh trong ngành chè, tỉnh Tuyên Quang đã tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ người trồng chè tham gia chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Theo thống kê, đến năm 2020 toàn tỉnh Tuyên Quang có 8.588 ha chè, sản lượng trên 71.700 tấn/năm. Cùng với những giống chè truyền thống, tỉnh đã đưa vào trồng nhiều giống chè đặc sản có chất lượng và giá trị kinh tế cao như Kim Tuyên, Ngọc Thúy, Phúc Vân Tiên; phát triển các vùng chè cổ như chè shan tuyết. Đến nay, diện tích chè lai, chè đặc sản chiếm trên 60% tổng diện tích.

Để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm chè, các ngành chức năng cùng các đơn vị địa phương của tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, chung tay cùng người dân, các đơn vị sản xuất vượt khó
Để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm chè, các ngành chức năng cùng các đơn vị địa phương của tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, chung tay cùng người dân, các đơn vị sản xuất vượt khó

Cùng với nâng cao năng suất, chất lượng chè nguyên liệu, các khâu chế biến, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ cũng được chú trọng thực hiện. Giá trị sản phẩm chè không ngừng được nâng lên, cây chè đã góp phần quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trồng chè.

Tại những vùng trồng chè tập trung đều phát triển kinh tế cao hơn so với các vùng thuộc khu vực nông thôn khác của tỉnh như: Các xã Phú Lâm, Nhữ Hán, Nhữ Khê, Đội Bình, Tứ Quận, … của huyện Yên Sơn; các phường Kim Phú, Phú Lâm, Đội Cấn của thành phố Tuyên Quang; các xã Tú Thịnh, Phúc Ứng, Minh Thanh, Tân Trào, … huyện Sơn Dương; các xã Thái Hoà, Đức Ninh, Hùng Đức, … huyện Hàm Yên. Hàng năm cây chè mang lại giá trị cho địa phương từ 700 – 720 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản bị đứt gãy, nhiều hợp tác xã và người nông dân gặp khó trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Trước tình hình đó, để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm chè, các ngành chức năng cùng các đơn vị địa phương của tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, chung tay cùng người dân, các đơn vị sản xuất vượt khó.

Thống kê của ngành nông nghiệp, riêng sản lượng chè qua chế biến của các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh còn tồn 2.862 tấn. Ông Ngô Đức Tú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chè Sông Lô cho biết, giá cước vận tải biển hiện tăng gấp 4, 5 lần so với trước đây. Đơn cử như các đơn hàng sang Nga và các nước Châu Âu, giá mỗi công-ten-nơ chở hàng của doanh nghiệp tăng từ 3.000 USD lên hơn 10.500 USD, khiến việc tiêu thụ sản phẩm cho cả doanh nghiệp bán và doanh nghiệp thu mua gặp nhiều khó khăn. Khó khăn của Công ty cổ phần Chè Sông Lô cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp xuất khẩu chè trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Trần Hải Tuyên – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè Tuyên Quang, trước tiên chất lượng sản phẩm phải đảm bảo đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, tạo được lòng tin của người tiêu dùng; sản phẩm phải đa dạng, phong phú để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Đồng thời các hoạt động xúc tiến thương mại phải đa dạng, nhiều hình thức tiếp cận thị trường.

Đối với mục tiêu trên, ngành nông nghiệp cần phải tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp, người sản xuất tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng chặt chẽ các tiêu chuẩn quy chuẩn trong sản xuất, chế biến. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, hỗ trợ các cơ sở chế biến, tiêu thụ chè tích cực cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn mác sản phẩm.

Thông qua các kênh của các Bộ, ngành trung ương; giao lưu với các tỉnh bạn và doanh nghiệp địa phương và trung ương để giới thiệu tiềm năng, lợi thế để thu hút các nhà đầu tư có thế mạnh về: thị trường, công nghệ, nguồn lực tìm hiểu, liên kết đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè của Tuyên Quang. Tích cực quảng bá, giới thiệu hàng hoá qua các kênh truyền thông đại chúng, mạng xã hội đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp dây chuyền công nghệ, đầu tư trang, thiết bị hiện đại để đa dạng hóa mặt hàng sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu chè để nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu.

Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh: “Việc đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường hiện nay, trước mắt công tác tuyên truyền quảng bá về chương trình cần tiếp tục được chú trọng để nâng cao nhận thức của người dân. Công tác tư vấn và phát triển mẫu mã, áp dụng công nghệ mới hiện đại để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cũng cần được tăng cường. Đặc biệt, sản phẩm làm ra phải có sự liên kết sản xuất theo mô hình HTX, phải xây dựng được hệ thông bán hàng; doanh nghiệp cũng cần phải bỏ chi phí để tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của thị trường và chú trọng vào các hoạt động khuyến mại”.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Thành Quân