Hơn 50% tổng chỉ tiêu cho xét điểm thi THPT
Theo đề án tuyển sinh 2021 công bố, Trường ĐH Công nghệ TPHCM và Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM dành đến 65% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi THPT năm 2021. Hai trường cũng dành 30% (phương thức 3 & 4) tổng chỉ tiêu để xét tuyển học bạ THPT.
Tương tự, Trường ĐH Gia Định cũng dành gần 50% tổng chỉ tiêu năm 2021 cho hình thức xét bằng điểm thi kỳ thi THPT và 50% chỉ tiêu cho phương thức xét bằng học bạ trong tổng số 2.500 chỉ tiêu của mình.
Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương có kế hoạch tuyển 1.150 chỉ tiêu theo 3 phương thức xét tuyển. Trong đó, 2 phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và phương thức xét học bạ THPT vẫn là 2 phương thức chiếm tỉ lệ lớn với tổng chỉ tiêu dự kiến hơn 90%.
Trường ĐH Văn Lang cũng sử dụng 5 phương thức tuyển sinh năm 2021 cho 7.000 chỉ tiêu của trường. Trong đó, 2 phương thức xét bằng điểm thi THPT và học bạ THPT chiếm tới 90% tổng chỉ tiêu, với 60% xét học bạ và 30% xét điểm thi THPT.
Trường ĐH Mở TPHCM dự tính tuyển sinh vào năm 2021 thì trường xét tuyển bằng 6 phương thức cho 4.500 chỉ tiêu. Theo đại diện phòng tuyển sinh Nhà trường, phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ vẫn là các phương thức dự kiến chiếm tỉ lệ lớn tổng chỉ tiêu của nhà trường trong năm 2021. Năm 2020, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT được điểu chỉnh theo hướng tăng chỉ tiêu.
Bảo đảm tính ổn định trong xét tuyển
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Phó trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) nhìn nhận; Phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức có tỉ lệ ổn định nhiều năm qua trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Vì lẽ đó, HUTECH tiếp tục giữ chỉ tiêu này trong năm 2021 để thí sinh không phải bất ngờ.
“Mục tiêu của nhà trường là giữ tính ổn định, tránh gây xáo trộn nhiều để thí sinh có thời gian tìm hiểu thông tin về ngành đào tạo, môi trường đào tạo, hướng phát triển của ngành nghề hơn. Chứ mình cứ thay đổi nhiều phương thức xét tuyển sẽ làm các em lo lắng, mất thời gian tìm hiểu”- Th.s Dung nói.
Theo TS Trịnh Hữu Chung - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định, việc các trường đại học ngoài công lập nhiều năm nay vẫn dành phần lớn tổng chỉ tiêu để xét tuyển ở 2 phương thức, xét điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ THPT vì tính ổn định và tính toàn diện của hai phương thức trên.
“Thực tế việc các thí sinh học tập thế nào trong suốt 3 năm học THPT đều đã được phản ánh bằng kết quả tổng kết từng môn, từng khối ngành qua từng cấp lớp. Tương tự, điểm thi tốt nghiệp THPT đến bây giờ vẫn là căn cứ lớn nhất để các trường đại học dựa vào đó để xét tuyển, bởi kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, bài bản, dưới sự giám sát của toàn xã hội.
Vì vậy, xu hướng xét tuyển năm 2021 về cơ bản sẽ ít có sự xáo trộn, các trường dù cơ chế tự củ gần như đã được mở rộng toàn diện nhưng họ vẫn xác định các phương thức trên là tối ưu nên dành phần lớn chỉ tiêu để xét”- TS Chung cho biết thêm.
Anh Tú
Theo Giáo dục & Thời đại