Uống trà cùng với thuốc, những tương tác có thể xảy ra.

Từ thời xa xưa trà được coi là một dược liệu quý được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới và được xem như một loại thức uống mang tính toàn cầu. Tác dụng chữa bệnh và những giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại đã được rất nhiều người biết đến. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức rõ rằng trà có thể tương tác và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của nhiều loại thuốc như thế nào?

Trà là một trong những thức uống lâu đời nhất trên thế giới và được ưa chuộng nhờ những lợi ích sức khỏe phong phú mà nó mang lại. Đặc biệt, trà xanh và trà đen chứa nhiều hợp chất có giá trị như catechin, flavonoid, tanin. Ngoài những tác động tích cực đến sức khỏe như chống oxy hóa, chống viêm, ngăn ngừa một số bệnh tim mạch, ung thư, trà cũng có thể tác động đến việc hấp thu và chuyển hóa của một số loại thuốc trong cơ thể từ đó gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Trà dù là trà xanh, trà đen hay các loại thảo mộc khác đều chứa nhiều hợp chất sinh học như cafein, tanin, polyphenol và flavonoid. Những hợp chất này có thể tương tác với các loại thuốc theo phương diện.

Theo Dữ liệu dinh dưỡng quốc gia của USDA (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ), một cốc trà khoảng 236 ml chứa 47 mg cafein.

Cafein là một chất kích thích thần kinh trung ương có trong trà, đặc biệt là trà xanh và trà đen. Theo Medline Plus, khi bạn uống trà cùng các loại thuốc có tính kích thích như thuốc trị hen suyễn (thường chứa chất kích thích β2-agonist) hoặc thuốc giảm cân, cafein có thể làm tăng tác dụng kích thích của các thuốc này gây ra tình trạng tim đập nhanh, tăng huyết áp hoặc hồi hộp. Điều này được các nhà khoa học lý giải là do cafein và các thuốc trên đều kích thích hệ thần kinh giao cảm, gây ra phản ứng giống nhau và làm chúng cộng hưởng tác dụng.

Ngược lại, nếu bạn dùng thuốc an thần để giảm căng thẳng hay dễ ngủ thì cafein trong trà sẽ có tác động đối nghịch. Thay vì giúp bạn thư giãn, nó lại kích thích hệ thần kinh, khiến mất ngủ và lo âu trầm trọng hơn. Điều này xảy ra vì cafein kích thích các thụ thể trong não, đối nghịch với tác dụng làm dịu của thuốc an thần.

Tanin là một hợp chất tự nhiên có nhiều trong trà, đặc biệt là trà đen. Khi uống trà có chứa tanin cùng lúc với một số loại thuốc như thuốc sắt hoặc thuốc kháng sinh, tanin sẽ kết hợp với các thành phần trong thuốc tạo thành một phức hợp khó tan. Phức hợp này khiến sự hấp thu thuốc vào máu bị giảm dẫn đến việc thuốc không đạt được tác dụng mong muốn.

Ví dụ, người bị thiếu máu do thiếu sắt, uống trà cùng thuốc bổ sung sắt sẽ không đạt hiệu quả cao vì tanin đã ngăn cản sự hấp thụ sắt vào cơ thể. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu sắt trầm trọng hơn nếu duy trì lâu dài.

Polyphenol là hợp chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là trong trà xanh. Theo Livestrong, trà khi dùng cùng với các loại thuốc chống đông máu như aspirin hoặc warfarin, polyphenol có thể giảm khả năng hấp thụ thuốc từ đó làm giảm tác dụng ngăn ngừa đông máu. Điều này càng nguy hiểm hơn ở những người đã có tiền sử bệnh tim mạch, có thể dẫn đến huyết khối hoặc đột quỵ.

Bên cạnh đó, polyphenol cũng có thể tương tác với các thuốc chống viêm làm giảm khả năng điều trị viêm nhiễm và làm chậm quá trình hồi phục của bệnh nhân.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Theo Drug.com (bách khoa toàn thư dược phẩm cung cấp thông tin trực tuyến về các loại thuốc) đưa ra một số trường hợp phổ biến về sự tương tác giữa trà và các loại thuốc thường gặp:

Thuốc kháng sinh: Các loại thuốc kháng sinh như tetracycline và ciprofloxacin (biệt dược gốc Ciprobay - 500) có thể bị ảnh hưởng bởi tanin trong trà. Sự kết hợp này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc kháng sinh.

Thuốc điều trị cao huyết áp: Trà xanh có thể làm giảm hiệu quả của thuốc huyết áp chẹn beta - adrenergic như nadolol, gây khó khăn trong việc kiểm soát huyết áp.

Thuốc chống đông máu: Trà xanh chứa vitamin K, có thể làm giảm hiệu quả của thuốc chống đông máu như warfarin, aspirin. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ huyết khối hoặc chảy máu nghiêm trọng.

Thuốc trị tiểu đường: Tanin trong trà có thể cản trở sự hấp thu của thuốc metformin (thuốc đầu tay của các bác sĩ để chữa bệnh tiểu đường), làm giảm tác dụng của thuốc.

Thuốc sắt: Tanin trong trà đen và xanh có thể ức chế sự hấp thu sắt từ thực phẩm và thuốc bổ sung, gây ra tình trạng thiếu máu hoặc làm cho tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.

Vì vậy, để tránh những tương tác tiêu cực tốt nhất là không nên uống trà cùng lúc với thuốc. Đợi ít nhất 30 phút đến 1 giờ sau khi uống thuốc rồi mới uống trà để giảm nguy cơ tương tác. Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ về loại thuốc mà bạn đang sử dụng và khả năng tương tác với trà. Nếu không chắc chắn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Mặc dù có những nguy cơ tiềm ẩn, trà vẫn mang lại nhiều lợi ích nếu sử dụng đúng cách như tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện chức năng tim mạch, và hỗ trợ kiểm soát cân nặng.Trà thảo mộc như trà cam thảo, trà gừng, hoặc trà bạc hà có thể hỗ trợ điều trị các triệu chứng bệnh lý nhẹ như đau bụng, cảm lạnh, hoặc khó tiêu mà không cần dùng thuốc. Thêm vào đó, một số loại trà thảo mộc như trà hoa cúc có tác dụng an thần nhẹ, giúp cải thiện giấc ngủ mà không gây ra các tương tác tiêu cực với thuốc.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Việc uống trà cùng thuốc có thể mang lại rủi ro nếu không hiểu rõ về sự tương tác giữa chúng. Để bảo vệ sức khỏe, tốt nhất bạn nên uống thuốc và trà cách nhau ít nhất 30 phút đến 1 giờ, đồng thời tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ về các loại thuốc cụ thể mà bạn đang sử dụng. Trà có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng cần sử dụng một cách thông minh và có hiểu biết để tránh các tác động không mong muốn.