Uống trà đúng cách

Với người Việt, uống trà đã trở thành một thói quen không thể từ bỏ. Đây là một nét đẹp truyền thống của người Việt, đã ngự trị trong tâm trí nhiều người từ bao đời nay. Tuy nhiên, một thói quen uống trà hoặc một cách pha không đúng sẽ làm giảm lợi ích hoặc gây ra một số phiền toái cho sức khoẻ.

Tăng sức đề kháng mùa dịch cùng thói quen uống trà

Hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể nhằm ngăn chặn, tiêu diệt các mầm bệnh có hại. Với rất nhiều nhóm chất và vitamin, việc uống trà đều đặn (dù là trà xanh, Ô long, trà đen hay trà thảo mộc…) không những giúp bạn nâng cao sức đề kháng, tăng cường sức khỏe, cải thiện hệ thống miễn dịch mà còn phòng chống được bệnh tật hiệu quả. Uống trà - thói quen đơn giản mà bạn có thể bổ sung ngay vào thực đơn ăn uống hàng ngày, cũng chính là một trong những chiếc chìa khóa bảo vệ sức khỏe, nhất là tại thời điểm dịch bệnh hiện nay.

Trà được xem là kho vũ khí mạnh mẽ của Vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hoá và axit amin, giúp tăng hệ miễn dịch cho cơ thể.
Trà được xem là kho vũ khí mạnh mẽ của Vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hoá và axit amin, giúp tăng hệ miễn dịch cho cơ thể.

Từ đó sẽ giúp cơ thể bạn tăng khả năng chống lại dịch bệnh. Tuy nhiên, một thói quen uống trà hoặc một cách pha không đúng sẽ làm giảm lợi ích hoặc gây ra một số phiền toái cho sức khoẻ.

Trong những ngày giãn cách, nếu bạn yêu thích việc kết hợp trà cùng các nguyên liệu tự nhiên, dưới đây là một số loại trà rất tốt cho sức khỏe, tăng cường sức đề kháng mà nguyên liệu lại đơn giản:

Trà gừng: Có khả năng thúc đẩy việc tăng cường tế bào T - một trong những thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch. Bên trong trà gừng cũng chứa rất nhiều chất chống oxy hóa mạnh mẽ, bảo vệ bạn khỏi các gốc tự do gây hại.

Trà xanh mật ong: Mật ong từ xưa đến nay vẫn được coi là vị thuốc chữa được nhiều loại bệnh tật. Mật ong cũng có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của virus, vi khuẩn và nấm.

Trà chanh: Một cốc trà chanh cho ngày nắng nóng còn có tác dụng giải nhiệt, thải độc, giúp tinh thần sảng khoái và có nhiều hứng khởi hơn. Uống trà chanh thường xuyên có thể hỗ trợ điều trị các bệnh truyền nhiễm thông thường.

Một số quy tắc uống trà để phát huy tối đa tác dụng đối với sức khỏe

Trà xanh không chỉ đơn thuần là một loại đồ uống mà nó còn được coi là một loại dược liệu, chính vì thế nó cũng sẽ có những thành phần, dược tính nhất định.
Trà xanh không chỉ đơn thuần là một loại đồ uống mà nó còn được coi là một loại dược liệu, chính vì thế nó cũng sẽ có những thành phần, dược tính nhất định.

Để trà xanh phát huy hết tác dụng của nó, bạn nên ghi nhớ một số điều dưới đây:

Rửa trà sạch trước khi dùng: Rửa sạch trà trước khi dùng (đối với trà tươi) sau đó tráng sơ trà qua 1 lần trước trước khi pha (điều này áp dụng cả với trà khô và trà tươi);

Pha trà ở nhiệt độ vừa phải: Nhiệt độ pha trà phù hợp là khoảng 80 độ C, không pha trà với nước đang sôi. Bạn cũng không nên uống trà quá nóng, khi uống chè xanh quá nóng sẽ gây tổn thương vách trong của dạ dày, dẫn đến đau loét dạ dày.

- Mỗi ngày chỉ nên uống khoảng 500ml nước trà.

- Không nên để trà qua đêm kể cả cho vào tủ lạnh.

Không nên cho đường vào trà: Đường kết hợp với nước trà có thể làm mất chất dinh dưỡng. Bạn có thể dùng mật ong thay đường, và không nên cho thêm bất kỳ chất thứ gì vào trà.

Tránh uống trà đặc: Để tận dụng hết ưu điểm của trà xanh, hãy pha trà ở mức vừa phải, không quá đặc.

Không nên uống quá nhiều trà xanh: Chỉ uống 1-2 ly trà xanh mỗi ngày là đủ. Nếu uống quá nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe như: rối loạn tiêu hóa, đau đầu, mất ngủ…

Không uống trà với thuốc: Nếu bạn đang uống trà xanh, không nên uống cùng với bất kỳ loại thuốc nào. Các chất có trong chè xanh khi “gặp” các hoạt chất trong thuốc sẽ tạo ra những phản ứng hóa học làm cho thuốc giảm tác dụng và cơ thể khó hấp thu.

Không uống trà vào lúc đói: Trà xanh có khả năng kích thích dạ dày tiết ra nhiều chất chua, vị chua sẽ làm mất cảm giác ngon miệng, cơ thể hấp thu thức ăn kém đi. Hơn nữa, trong khi dạ dày trống rỗng, nếu uống trà xanh, chất chát trong trà sẽ đi vào tạng phế và làm lạnh tì, vị. Tạo cảm giác cồn cào, nôn nao trong người, chóng mặt, hoa mắt, rất khó chịu.

Không uống trà ngay sau bữa ăn: Nhiều người có thói quen uống trà xanh ngay sau khi ăn, điều này làm cản trở quá trình hấp thu dinh dưỡng vào cơ thể. Catechins trong trà xanh cũng có thể làm giảm sự hấp thụ sắt từ thực phẩm, tăng nguy cơ thiếu máu. Do vậy, bạn cũng không nên uống trà xanh trong bữa ăn. Tốt nhất, nên duy trì khoảng cách dùng trà xanh sau bữa trưa ít nhất 1 tiếng.

Không uống trà vào buổi tối trước khi đi ngủ: Nước trà xanh chứa hàm lượng cafein khá cao, khi uống vào gây kích thích thần kinh, làm cho thần kinh hưng phấn, từ đó gây khó ngủ. Vì thế, vào buổi tối, nên uống trà xanh trước giờ đi ngủ từ 1 đến 2 giờ.

Uống trà đúng thời điểm: Thời gian lý tưởng nhất để uống trà xanh là một giờ trước và sau bữa ăn. Nếu bạn đang ăn kiêng và muốn kiểm soát sự thèm ăn thì nên uống trà xanh một giờ trước bữa ăn.

Phụ nữ mang thai hạn chế uống nhiều trà: Thai phụ nếu uống nhiều nước trà xanh đậm đặc sẽ có nguy cơ bị thiếu máu, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Mặt khác, trà xanh còn kích thích hệ thần kinh, làm tim đập nhanh, gây mất ngủ. Phụ nữ mang thai nếu thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của chính họ.

Không uống trà xanh thay nước lọc: Trà xanh có tác dụng lợi tiểu, nếu uống quá nhiều trà xanh sẽ gây ra tình trạng mất nước.

Di An