Vấn đề về chuỗi cung ứng của ngành chè

Hiện nay, những thị trường nhập khẩu chè Việt Nam có yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc,… ngày càng đòi hỏi ở mức độ cao. Để đáp ứng được các yêu cầu này thì phát triển chuỗi cung ứng chính là một trong những giải pháp hữu hiệu cho ngành chè.

Cây chè là một trong những cây cây công nghiệp chủ lực, có lợi thế trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Mặt hàng chè (trà) tại một số tỉnh thành như Thái Nguyên, Lâm Đồng, Lào Cai, Hà Giang đã có những thương hiệu nổi tiếng không những trong nước mà cả với nước ngoài. Tuy nhiên, những năm gần đây hoạt động của chuỗi cung ứng mặt hàng chè vẫn còn tồn tại nhiều bất cập từ khâu cung cấp cho đến khâu tiêu thụ. Các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, giảm chi phí... ngày càng đòi hỏi ở mức độ cao hơn. Do đó đã làm giảm hiệu quả trong kinh doanh, khả năng cạnh tranh mặt hàng chè thị trường.

Vấn đề về chuỗi cung ứng của ngành chè  - Ảnh 1

Trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu và rộng hiện nay đã đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng đem lại không ít những thách thức, khó khăn cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam nói chung và mặt hàng chè nói riêng. Các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, giảm chi phí... ngày càng đòi hỏi ở mức độ cao hơn. Để đáp ứng được các yêu cầu này thì phát triển chuỗi cung ứng chính là một trong những giải pháp hữu hiệu.

Theo thống kê của Hiệp hội chè Việt Nam, tính đến năm 2020, nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích ổn định ở mức 130 nghìn ha, năng suất bình quân đạt mức khoảng 8,0 tấn/ha, sản lượng chè khô đạt khoảng 192 nghìn tấn.

Cây chè được trồng chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc chiếm  khoảng 70% diện tích trồng chè cả nước; kế đến là vùng Tây Nguyên với khoảng 19%; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích chè chiếm 7,0% và khu vực đồng bằng Bắc bộ 4,0%. Một số địa phương có diện tích chè lớn: Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha)…

Thống kê tại Việt Nam có đến 170 giống chè các loại, trong đó có một số giống mang hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng. Tổng doanh thu của ngành chè năm 2020 đạt 552 triệu USD, trong đó tiêu thụ trong nước khoảng 315 triệu USD, xuất khẩu chính ngạch khoảng 220 triệu USD và xuất khẩu tiểu ngạch đạt 17 triệu USD.

Vấn đề về chuỗi cung ứng của ngành chè  - Ảnh 2

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể trong hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng chè, tuy nhiên chuỗi cung ứng mặt ngành chè có nhiều vấn đề tồn tại.

Có lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu nhưng trên thực tế người trồng chè trên cả nước chưa tận dụng hết lợi thế của mình. Việc trồng chè chủ yếu là theo hướng hộ cá thể với diện tích trồng chè còn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng chè không đồng đều do giống chè và kỹ thuật canh tác của từng hộ khác nhau. Đối với chè thu hoạch được do không có điều kiện để bảo quản và giữ chè trong một thời gian dài vì vậy phải bán ngay kể cả khi không được giá.

Bên cạnh đó, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ sản xuất với các DN chế biến nên nhiều hộ chưa tuân thủ theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn trong qúa trình sản xuất và chế biến chè. Các hộ nông dân trồng chè thì luôn phải lo lắng với hiện trạng được mùa rớt giá, doanh nghiệp chế biến thì nguồn nguyên liệu không ổn định cả về chất lượng và giá cả. Các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ chè chỉ đầu tư vào khâu chế biến mà không liên kết với các hộ trồng chè, nên tính chủ động về nguyên liệu chế biến là rất thấp.

Mối liên kết dọc trong các khâu chưa có hoặc nếu có thì rất ít và chưa chặt chẽ. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ và người trồng nguyên liệu chưa bền vững. Dẫn đến trong vùng nguyên liệu vẫn xảy ra hiện tượng “tranh mua, tranh bán” giữa các doanh nghiệp và giữa các hộ trồng chè khi sản lượng, giá cả trên thị trường chè có biến động.

Hầu hết các doanh nghiệp chè chế biến sản phẩm theo phương pháp thủ công là chính. Hoạt động chế biến chè bằng phương pháp thủ công với phần lớn là máy móc thiết bị thô sơ, lạc hậu. Còn các dây chuyền thiết bị của hầu hết các doanh nghiệp thiếu đồng bộ, đơn giản, chưa được đổi mới, sản phẩm chè chưa đa dạng, mẫu đơn giản. Các DN chưa thực sự chủ động về nguyên liệu đầu vào, chất lượng nguyên liệu đầu vào còn chưa ổn định. Chi phí nguyên liệu cao, công suất sản xuất thấp vì không đủ nguyên liệu.

Hiệp hội chè Việt Nam (Vitas), cho biết xuất khẩu chè Việt Nam hiện vẫn chủ yếu là ở các thị trường dễ tính, với 3 thị trường chính gồm: Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc) và Nga. Với những thị trường lớn trên thế giới là EU, Mỹ… thì chè Việt Nam vẫn chưa tìm được chỗ đứng. Bởi các thị trường này có yêu cầu cao và khó tính, trong khi sản phẩm chè Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được chất lượng cũng như mẫu mã.

Hoài Anh