Theo đó, PVT cho biết, năm 2023, trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, thách thức, công ty đã đẩy mạnh nâng cấp, trẻ hóa đội tàu, nâng tổng số lượng tàu sở hữu và khai thác tăng lên 49 chiếc với tổng trọng tải khoảng 1,3 triệu DWT, đa dạng chủng loại từ tàu chở dầu thô, tàu chở dầu/ hóa chất, tàu chở LPG, tàu chở hàng rời đến tàu chứa dầu FSO.
Nhờ đó, kết quả 8 tháng đầu năm 2023 tích cực với tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt lần lượt 5.998 tỷ đồng và 899 tỷ đồng, tăng lần lượt 2% và 17% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, PVT đặt mục tiêu 6.800 tỷ doanh thu và 538 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Về kế hoạch khai thác đội tàu trong năm 2023, tàu PVT Synergy tiếp tục duy trì điều kiện của hợp đồng cho thuê định hạn với khách hàng hiện hữu. Trong đó, tàu cơ bản hoàn tất lên đà (Dock) SS lần 3 trong tháng 4/2023; đối với tàu PVT Neptune, PVT Venus và tàu PVT Saturn, thực hiện hợp đồng cho thuê khai thác trong pool mang lại hiệu quả cao hơn mức trung bình của thị trường. Trong đó, dự kiến tàu PVT Venus dừng lên đà (Dock) trong tháng 6/2023, tàu PVT Saturn trong tháng 8/2023 và tàu PVT Neptune trong tháng 10/2023; Đối với tàu PVT Diamond, tiếp tục khai thác định hạn tuyến quốc tế.
Về kế hoạch đầu tư, năm 2023, PVT Logistics dự kiến tiếp tục thực hiện dự án đầu tư 1 tàu chở dầu/hoá chất trọng tải 19.000 - 25.000 DWT được phê duyệt thực hiện năm 2022 (tổng mức đầu tư khoảng 19 triệu USD); đầu tư 1 tàu hàng rời Handysize/Ultramax trọng tải khoảng 25.000 – 75.000 DWT (dự án chuyển tiếp); và đầu tư 1 tàu chở dầu/hoá chất trọng tải khoảng 19.000 – 25.000 DWT (dự án đầu tư mới, tổng mức đầu tư khoảng 22 triệu USD).
Về định hướng kinh doanh trong năm 2023, Công ty dự kiến tập trung hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 200 tỷ đồng, từ 311,1 tỷ đồng lên 511,1 tỷ đồng để tranh thủ đầu tư, thuê mua tàu trong lúc giá đang ở giai đoạn phù hợp để trẻ hóa đội tàu, tăng năng lực vận tải, và sức cạnh tranh trên thị trường.
Như vậy sau 8 tháng, PVT đã hoàn thành vượt 67% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
Được biết, Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (viết tắt là PVTrans), tiền thân là Công ty Vận tải Dầu khí được thành lập theo Quyết định số 358/QĐ-VPCP ngày 27/05/2002 của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ với nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ vận tải dầu khí, đặc biệt là vận tải dầu thô. Sau gần 5 năm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp Nhà nước, Công ty Vận tải Dầu khí đã tiến hành cổ phần hóa theo quyết định số 758/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp ngày 30/3/2006 và chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ ngày 07/05/2007 với tên Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí.
Sau khi hoàn thành cổ phần hóa, để phù hợp với quy mô ngày càng phát triển, Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí chính thức đổi tên thành Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí vào ngày 23/07/2007. Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí chính thức được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh với mã giao dịch PVT vào ngày 10/12/2007. Đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ 51% vốn điều lệ của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí.
Trên thị trường, cổ phiếu PVT đang giao dịch quanh mốc 28.450 đồng/cp trong phiên sáng ngày 11/10, ghi nhận mức tăng khá gần 23% chỉ trong vòng 3 tháng qua. Thanh khoản khá sôi động khi bình quân hơn 4 triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.
Tiến Hoàng