Thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), đơn vị mới đây đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan báo cáo các khó khăn, vướng mắc tác động tới năng lực SX XK & sức cạnh tranh của DN thủy sản cuối năm 2022 & 2023.
Theo đó, từ giữa năm 2022 đến nay và đặc biệt trong thời điểm hiện tại, nhiều chi nhánh của các NHTM tại các địa phương đã cắt giảm mạnh tín dụng với các DN thủy sản mặc dù hạn mức tín dụng của nhiều DN mới chỉ giải ngân được 60-80% nhưng không được giải ngân, khiến nhiều DN lớn có nhu cầu vốn nhiều không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất, DN phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu của ngành. Thậm chí có DN đang triển khai các dự án sản xuất thủy sản đã phải ngừng thi công.
Các doanh nghiệp vẫn nhận thức rằng trong hoàn cảnh hiện nay điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng là trên cân đối chung nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tuy nhiên với hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản trong năm 2022 có sự tăng trưởng mạnh một cách bất ngờ ở giai đoạn đầu năm nên Doanh nghiệp khó tự cân đối nguồn vốn tăng nếu không có sự điều chỉnh tăng nguồn tín dụng từ ngân hàng, giúp các Doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, duy trì tốc độ tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu.
VASEP kiến nghị Chính Phủ, Bộ Nông Nghiệp xem xét và có giải pháp nâng mức tín dụng cho ngành nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng.
Bên cạnh đó, vào thời điểm hiện tại ở các tỉnh sản xuất thủy sản tập trung, tình trạng thiếu lao động làm việc trong các nhà máy cũng là một quan ngại với cộng đồng DN. Việc này gây sức ép lớn đến các DN, ảnh hưởng đến tiến độ, cam kết giao hàng và khó khăn để gia tăng công suất.
Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo với các NHTM tạo điều kiện cho các DN thủy sản tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn vay bình thường trong giai đoạn mà XK thủy sản đang trên đà phục hồi và tăng trưởng như hiện nay và năm tới 2023
Chính Phủ có biện pháp hỗ trợ để bình ổn giá các loại vật tư đầu vào cho nuôi thủy sản, đặc biệt là giá thức ăn, con giống nuôi thủy sản, giá năng lượng cho khai thác; điều chỉnh tỷ giá đồng USD linh hoạt phù hợp, có lợi hơn đối với xuất khẩu; giảm chi phí logistic trong nước.
Ngoài ra, về quy chuẩn nước thải công nghiệp với ngành thuỷ sản cần có một Quy chuẩn nước thải riêng & phù hợp cho nuôi trồng thủy sản; ii) chỉnh sửa các quy định, đặc biệt là chỉ tiêu phosphor, tại QCVN đang dự thảo cho nước thải chế biến thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng công nghệ, yếu tố đặc thù ngành và thông lệ khu vực tại các nước tương đương về kinh tế xã hội.
Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp nông-thủy sản còn ảnh hưởng cao của tính mùa vụ và người nông dân cũng ảnh hưởng thời vụ, nên Bộ Luật Lao động cần xem xét cho phép lao động các ngành này làm bán thời gian nhiều hơn để vừa giải quyết tốt lao động thời vụ của các DN vừa giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nông dân.
Mặc dù năm 2022 là một năm có nhiều biến động và khó khăn đối với ngành XNK thuỷ sản, nhưng XK thủy sản đã có sự phục hồi và phát triển đáng kể, đạt kim ngạch 9,5 tỷ USD tính đến hết tháng 10/2022, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự kiến đến cuối tháng 11/2022, XK thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD - mốc kỷ lục của ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới. Với nỗ lực và kết quả đó, dự kiến năm 2022, XK thuỷ sản Việt Nam sẽ cán đích gần với con số 11 tỷ USD (tăng 25% so với năm 2021).
Tuy nhiên, ngay khi bước vào Quý 4/2022, các DN thủy sản phải đối mặt với một số thách thức có tác động lớn, gây khó khăn và kìm hãm sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh thủy sản từ quý cuối năm 2022 và năm 2023.