Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đã có báo cáo cập nhật đối với ngành sữa. Theo VDSC, các công ty sữa Việt Nam đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 một cách thận trọng do chi phí đầu vào tăng.
Cụ thể, doanh thu thuần dự kiến năm 2022 của VNM, IDP và MCM - ba công ty sữa niêm yết có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất – lần lượt đạt 64.070 tỷ đồng (tăng 5,2%), 5.500 tỷ đồng (tăng 13,9%) và 3.122 tỷ đồng (tăng 7,7%). Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế dự kiến năm 2022 là 9,775 tỷ đồng (giảm 7,2%), 452 tỷ đồng (giảm 45,1%) và 344 tỷ đồng (giảm 7,7% so với cùng kỳ).
Bất chấp những quan ngại về biến động giá cả hàng hóa, tín hiệu tích cực cho các nhà sản xuất sữa là tiêu thụ sữa ngày càng tăng do: nhu cầu tăng cường hệ miễn dịch chống lại đại dịch Covid-19; việc mở lại các hoạt động kinh doanh, bao gồm kênh HORECA, các nhóm trường học và nhà máy. Những yếu tố này sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh số tích cực vào năm 2022.
Ngược lại, như VDSC đã đề cập trong báo cáo “Ngành sữa – Giá nguyên liệu thô và chi phí logistics tiếp tục tăng gây sức ép lên các nhà sản xuất sữa”, rủi ro từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine và những ẩn số về đại dịch Covid-19 là những lý do chính khiến các nhà sản xuất sữa đặt mục tiêu thận trọng về lợi nhuận.
Cũng theo VDSC, hành vi của người tiêu dùng đối với các sản phẩm sữa đã thay đổi do đại dịch Covid-19. Theo Kantar Worldpanel, sản phẩm sữa là một trong những ngành hàng có mức tăng trưởng bền vững trong thời gian bùng phát đại dịch Covid-19 tại Việt Nam (giữa năm 2021). Covid-19 bùng phát đã kích thích nhu cầu về đồ uống dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, bao gồm các sản phẩm từ sữa, cho các mục đích liên quan đến bảo vệ sức khỏe. Năm 2021, tăng trưởng tiêu thụ sữa ở 4 thành phố lớn của Việt Nam cao hơn năm 2020, trong khi người dân nông thôn Việt Nam có xu hướng tăng tiêu thụ sữa trong giai đoạn 2020-2021 bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, bất kể những thách thức như chính sách giãn cách xã hội hay chi phí đầu vào tăng cao trong năm 2021, các công ty sữa Việt Nam đã hoàn thành trên 95% kế hoạch kinh doanh năm 2021. Do đó, VDSC cho rằng vẫn còn nhiều dư địa cho ngành sữa Việt Nam phát triển trong tương lai.
Báo cáo của VDSC cũng cho biết, nhằm chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai, các công ty sữa Việt Nam tập trung vào việc tăng cường năng lực cốt lõi của mình. Cụ thể, các công ty sữa Việt Nam lên kế hoạch: nâng cấp năng lực sản xuất; mở rộng đàn bò sữa; xây dựng hệ thống phân phối. Bằng cách thực hiện các dự án này, các công ty sữa sẽ không chỉ giảm thiểu những hạn chế của việc tăng chi phí đầu vào mà còn nắm bắt được các cơ hội tăng trưởng trong tương lai.
Thứ nhất, sự gia tăng của nhu cầu sữa, cả trong nước và thế giới, được kỳ vọng là một nhân tố đầy hứa hẹn cho sự tăng trưởng trong tương lai của các nhà sản xuất sữa Việt Nam. Theo Statista, thị trường sữa toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 2022-27 là 5,75%, chủ yếu được đẩy mạnh bởi khu vực châu Á. Trên cơ sở đó, cùng với những lý do đã nêu trên, VDSC cho rằng ngành sữa Việt Nam cũng đang ngày càng phát triển. Do đó, các nhà sản xuất sữa Việt Nam sẽ nắm bắt được xu hướng tăng này, mang lại doanh thu cao hơn.
Thứ hai, trong giai đoạn 2021-2022, vấn đề mà các nhà sản xuất sữa Việt Nam phải đối mặt là chi phí đầu vào cao trong khi không thể chuyển hết các chi phí này vào giá bán, dẫn đến biên lợi nhuận giảm và lợi nhuận tăng trưởng âm. Do đó, VDSC tin rằng công ty có đàn bò lớn sẽ có vị thế tốt hơn trong việc phòng ngừa rủi ro trước những biến động của giá nguyên liệu.
Ngoài ra, do kỳ vọng giá dầu trong tương lai có thể sẽ chỉ duy trì ở mức cao và Ukraine sẽ tái khởi động các hoạt động sản xuất vào cuối năm 2022, giá đường và thức ăn chăn nuôi trong nửa cuối năm 2022 được dự báo sẽ không tăng mạnh như đầu năm 2022.
Nhìn chung tất cả, VDSC khuyến nghị các công ty đầu tư vào cả năng lực sản xuất, hệ thống phân phối và đàn bò như VNM hay MCM sẽ cho thấy sự cải thiện trong hiệu quả kinh doanh, đưa tới ROE cao hơn, khi áp lực tăng chi phí đầu vào giảm (dự kiến kể từ năm 2023).