Về Vĩnh Long thăm đền thờ cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng

Vĩnh Long không chỉ nổi tiếng với những khu du lịch sinh thái miệt vườn mà còn là quê hương của cố Chủ tịch Phạm Hùng - một người con ưu tú đất Việt. Khu lưu niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng được xây dựng trên chính quê hương Long Hồ - Vĩnh Long của ông, đây là nơi mọi người thường tìm đến để tìm hiểu về cuộc đời và tấm gương của một người chiến sĩ cách mạng trung kiên, mẫu mực mà nhân dân đất nước muôn đời kính nhớ.

Cổng vào Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Ảnh: Hương Quỳnh
Cổng vào Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Ảnh: Hương Quỳnh

Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/06/1912 và mất ngày 10/03/1988. Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân thuộc xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long là mảnh đất có truyền thống anh hùng nên từ khi còn đang đi học, ông đã bắt đầu tham gia vào các hoạt động cách mạng và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên ở vùng Nam Bộ khi mới chỉ 16 tuổi.

Chân dung cố Chủ tịch Phạm Hùng
Chân dung cố Chủ tịch Phạm Hùng

Ông nổi tiếng là một người vô cùng công minh và chính trực. Đặc biệt, ông là người góp công rất lớn trong chiến thắng của quân đội nhà nước Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cứu nước. Khi đất nước thống nhất, cố Chủ tịch Phạm Hùng được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao cho nhiều vị trí quan trọng như Bộ trưởng Bộ nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam… Vào tháng 3/1988 đồng chí Phạm Hùng qua đời trong sự thương tiếc của người dân cả nước. Để tưởng nhớ đến công lao to lớn của ông trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tỉnh Vĩnh Long đã cho xây dựng khu lưu niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.

Từ thành phố Vĩnh Long, xuôi theo quốc lộ 53 về hướng Trà Vinh khoảng 5km, ngay gần cầu Ông Me Lớn là Khu tưởng niệm cố chủ tịch Phạm Hùng được xây dựng năm 2002 rộng hơn 3ha, gồm nhiều hạng mục như:

Nhà lễ tân ở phía tay trái khi đi từ cổng vào với diện tích 300 mét vuông là nơi đón tiếp khách thăm quan khu lưu niệm. Trong nhà lễ tân có sổ ghi cảm tưởng để mỗi người đến đây ghi lại những cảm nhận và sự kính trọng đối với vị anh hùng dân tộc Phạm Hùng.

Về Vĩnh Long thăm đền thờ cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng - Ảnh 1
Về Vĩnh Long thăm đền thờ cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng - Ảnh 2
Bên trong nhà lễ tân. Ảnh: Hương Quỳnh
Sổ ghi cảm tưởng. Ảnh: Hương Quỳnh
Sổ ghi cảm tưởng. Ảnh: Hương Quỳnh

Đi thẳng từ cổng chính vào là nhà tưởng niệm có diện tích rộng lớn 1.050 mét vuông, đây là nơi đặt bức tượng bán thân của đồng chí Phạm Hùng, cùng những tấm phù điêu, khắc lại những câu nói của đồng chí lúc sinh thời, và những câu điếu văn ca ngợi công lao đồng chí Phạm Hùng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Người dân và du khách đến đây đều dâng nén hương tưởng nhớ cố Chủ tịch.

Bên ngoài nhà tưởng niệm. Ảnh: Hương Quỳnh
Bên ngoài nhà tưởng niệm. Ảnh: Hương Quỳnh
Bên trong nhà tưởng niệm. Ảnh: Hương Quỳnh  
Bên trong nhà tưởng niệm. Ảnh: Hương Quỳnh  
   

Ngay phía sau nhà tưởng niệm là nhà trưng bày có diện tích 670 mét vuông đây là nơi lưu giữ các tư liệu hình ảnh, hiện vật về thân thế và sự nghiệp của cố Chủ tịch.

Nhà trưng bày cố Chủ tịch Phạm Hùng. Ảnh: Hương Quỳnh     
Nhà trưng bày cố Chủ tịch Phạm Hùng. Ảnh: Hương Quỳnh     
Hai chiếc xe đã từng phục vụ cố Chủ tịch Phạm Hùng. Ảnh: Hương Quỳnh
Hai chiếc xe đã từng phục vụ cố Chủ tịch Phạm Hùng. Ảnh: Hương Quỳnh

Bên cạnh những hạng mục chính này, khu lưu niệm còn có các hạng mục ngoài trời được dựng lại theo tỉ lệ 1:1 như: Phòng biệt giam đồng chí Phạm Hùng tại Côn Đảo từ 1934 đến 1945 (tỉnh Tây Ninh) từ 1967 đến 30 tháng 4 năm 1975 và căn phòng làm việc của đồng chí Phạm Hùng tại số 72 Phan Đình Phùng - Hà Nội từ năm 1958 đến năm 1967 và từ năm 1978 đến năm 1988.

Phòng biệt giam đồng chí Phạm Hùng tại Côn Đảo. Ảnh: Hương Quỳnh     
Phòng biệt giam đồng chí Phạm Hùng tại Côn Đảo. Ảnh: Hương Quỳnh     

Khu lưu niệm có khuôn viên rộng rãi, sạch sẽ và thoáng mát, được thiết kế với bố cục cân xứng với nghệ thuật đơn giản nhưng vẫn toát lên được sự trang nghiêm đúng như lời của Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trong chuyến thăm khu lưu niệm vào ngày 27/07/2004. Về đây, thắp lên nén hương tưởng nhớ một người anh hùng dân tộc, kính cẩn nghiêng mình trước sự hi sinh, anh dũng, bất khuất của cố Chủ tịch Phạm Hùng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương.

Hương Quỳnh