Vì sao doanh nghiệp phân bón đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng?

Nhiều doanh nghiệp phân bón đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu tăng nhưng lợi nhuận dự kiến giảm mạnh.

Vì sao doanh nghiệp phân bón đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng? - Ảnh 1

Đóng bao phần trên dây chuyền tại nhà máy của Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau - PVCFC (Đạm Cà Mau). (Ảnh: TTXVN).

Giá dầu tăng khiến cho nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí có lợi, nhưng ở chiều ngược lại nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón đang chịu ảnh hưởng tiêu cực khi lợi nhuận có thể bị thu hẹp, do theo chuỗi giá trị ngành phân bón, giá khí đầu vào là nguyên liệu chủ yếu để các nhà máy phân bón sản xuất.

Giá phân bón tăng cao

Theo chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán FPT – FPTS, tiêu thụ phân bón được kỳ vọng tăng trưởng tích cực nhờ sự phục hồi sản xuất nông nghiệp trong nước.

Sản xuất nông nghiệp năm 2021 được thúc đẩy nhờ các yếu tố thời tiết, khí hậu thuận lợi và giá cả các mặt hàng nông sản đang ở mức cao.

Hiện tượng La Nina kéo dài đến tháng 4/2021 làm giảm tác động của hạn hán tại miền Trung, Tây nguyên và xâm nhập mặn tại miền Nam. Từ tháng 5, trạng thái trung tính duy trì trở lại, mang lại thời tiết thuận lợi cho hầu hết các khu vực canh tác nông nghiệp trên cả nước.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), giá gạo thế giới năm 2021 trung bình đạt 498 USD/tấn, cao hơn 21,8% so với trung bình 5 năm từ 2016 -2020, giá ngô và đậu tương cũng đang duy trì ở mức cao.

Giá nông sản tăng và tình hình thời tiết năm 2021 được dự báo thuận lợi hơn, tạo điều kiện tốt cho canh tác nông nghiệp. Nhu cầu tiêu thụ phân bón dự báo hồi phục đáng kể.

Theo Công ty cổ phần Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (AgroMonitor), tổng nhu cầu phân bón năm 2021 dự kiến đạt xấp xỉ 10,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2020.

Cụ thể năm 2021, tiêu thụ hầu hết các loại phân bón đều tăng, đặc biệt là phân DAP tăng 12% so với năm 2020, phân lân tăng 8,7% và phân NPK tăng 4,6%. Tiêu thụ phân Urê dự báo ổn định hơn khi tăng nhẹ 0,5% so với năm 2020, trong khi phân Kali tăng 2,4% và phân bón khác tăng 10,3%.

Năm 2021, dự kiến nhu cầu phân bón tại Đồng bằng sông Cửu long (khu vực tiêu thụ phân bón lớn nhất cả nước) sẽ hồi phục 4 - 6% so với cùng kỳ; trong đó, chủ yếu tăng tiêu thụ phân DAP, NPK và các loại khác như phân lân, phân hữu cơ...

Giá phân bón thế giới cũng tăng mạnh từ đầu năm 2020, nhờ sự hỗ trợ từ phục hồi nhu cầu. Sản xuất nông nghiệp thế giới được khôi phục, nhu cầu phân bón gia tăng ở châu Âu, Mỹ, Brazil và một số nước châu Á. Cùng đó, giá năng lượng và cước phí vận chuyển tăng cao khiến cho giá hầu hết các loại phân bón tăng lên mức kỷ lục.

Giá phân bón thế giới dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao trong ngắn hạn do nhu cầu gia tăng và cước phí vận chuyển chưa hạ nhiệt. 

Cụ thể, với phân Urê Biển Đen, dự báo giá duy trì ở mức 280 -340 USD/tấn trong quý II/2021, quý 3 tạm thời giảm nhẹ xuống 270 -290 USD/tấn và duy trì mức 290 -310 USD/tấn đến hết quý IV/2021.Tính trung bình năm 2021, giá Urê thế giới dự báo đạt 305USD/tấn, cao hơn xấp xỉ 33% so với năm 2020.

Theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, trong khoảng cuối quý IV/2020 đến quý I/2021 thì tất cả các loại giá phân bón đều tăng.

Cụ thể, các loại phân bón DAP, NPK, urê đã tăng khoảng từ 40.000 - 100.000 đồng/bao (50 kg) so với trước đó khoảng 1 tháng.

Ông Hà cho biết theo World Bank, thời gian qua, giá nguyên liệu tăng rất nhiều như giá lưu huỳnh, amoniac... đều tăng mạnh dẫn đến giá phân bón bán ra tăng. Bên cạnh đó, giá nông sản trên thế giới cũng đã liên tục tăng.

Ngoài ra, do giá cước vận chuyển tăng nhanh, với nhiều ngành nghề chứ không chỉ với phân bón, do giá vận chuyển bằng container tăng.

Trung Quốc - quốc gia sản xuất phân bón lớn nhất thế giới vừa qua bị thiếu hụt nguồn khí, dẫn tới nguồn cung sản xuất tại đất nước này thiếu hụt... Tất cả điều này dẫn tới giá các loại phân bón tăng chung khoảng hơn 20%, như DAP tăng 28%, urê gần 20%...

Không theo kịp đà tăng giá dầu

Theo FPTS, giá dầu thế giới dự báo hồi phục mạnh năm 2021.Tháng 3/2021, giá dầu thô Brent trung bình đạt mức 65,3 USD/thùng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2020.

Giá dầu Brent tăng nhanh trong quý I phản ánh kỳ vọng hồi phục của nhu cầu nhiên liệu thế giới và việc cắt giảm nguồn cung dầu thô của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (OPEC+)

Đến tháng 4, giá dầu thế giới leo lên mức cao mới của bốn tuần trong phiên 15/4 nhờ số liệu kinh tế tích cực từ Mỹ và dự báo nhu cầu cao hơn từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong bối cảnh các nước bắt đầu phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Giá dầu Brent Biển Bắc ở mức 66,94 USD/thùng (chốt phiên giao dịch ngày 15/4) Đây là các mức đóng phiên cao nhất của hai hợp đồng dầu chủ chốt kể từ ngày 17/3.

Tại thị trường châu Á, giá dầu tiếp tục tăng cao trong phiên chiều 16/4, trên đà hướng tới mức tăng 7% trong tuần này với triển vọng nhu cầu dầu mỏ được cải thiện và sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc và Mỹ giúp giới đầu tư bớt lo ngại về tình trạng gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19.

Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 30 xu Mỹ (hoặc 0,5%) lên 67,24 USD/thùng vào lúc 12 giờ 51 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi tăng 36 xu Mỹ vào phiên giao dịch trước đó.

Thực tế, chốt phiên giao dịch đầu năm giá dầu Brent loanh quanh mức 51 USD/thùng. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent đã tăng tới khoảng gần 38%.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu thô Brent trung bình năm 2021 được dự báo tăng lên mức 60,7 USD/thùng tăng 45,5% so với năm 2020. Giá dầu FO (dầu nhiên liệu) trung bình dự kiến đạt 343USD/tấn tăng 37,7% so với năm 2020.

Vì vậy, giá khí nguyên liệu đầu vào mảng phân Urê cũng được dự báo tăng tương ứng do được neo theo giá dầu FO thế giới, mức tăng khá cao so với giá phân Urê đầu ra.

Theo chuỗi giá trị ngành phân bón, giá khí đầu vào là nguyên liệu chủ yếu để các nhà máy phân bón sản xuất. Chính vì vậy, diễn biến giá nguyên liệu đầu vào sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp này, nhất là khi giá khí đầu vào đã áp dụng theo cơ chế thị trường.

Trên sàn chứng khoán, hai doanh nghiệp đầu ngành phân bón là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (mã chứng khoán: DPM) và Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã chứng khoán: DCM). Giá vốn hàng bán chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp này; trong đó chủ yếu là chi phí cho nguyên liệu khí đầu vào.

Năm 2020, dù doanh thu của DPM chỉ tăng 1% lên gần 7.762 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng tới 80,5% lên 702 tỷ đồng. Con số này đạt được là do năm 2020, doanh nghiệp được hưởng lợi lớn từ việc giá dầu khí xuống mức thấp kỷ lục.

Tuy nhiên tình hình đã khác, theo các nhà phân tích tới từ FPTS, giá khí quy đổi tăng nhanh hơn giá phân Urê nên biên lợi nhuận gộp của DPM 2021dự kiến sẽ giảm nhẹ.

Thông tin từ DPM, ngày 27/4/2021, doanh nghiệp sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2021. Hiện DPM đã công bố tài liệu dự kiến trình đại hội.

Theo tài liệu công bố, năm 2021, DPM đặt mục tiêu đạt 8.331 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 5,9% so với doanh thu đạt được năm 2020. Dù vậy, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ là 365 tỷ đồng, giảm tới 48% so với lợi nhuận đạt được năm 2020.

Đối với Đạm Cà Mau, cũng tương tự như DPM, doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh rất ấn tượng trong năm 2020 nhờ giá nguyên liệu đầu vào xuống thấp.

Cụ thể năm 2020, doanh thu thuần của Đạm Cà Mau tăng 7% lên 7.563 tỷ đồng. Lợi nhuận nhuận sau thuế đạt hơn 665 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2019.

Dù vậy, Đạm Cà Mau lại đặt mục tiêu lợi nhuận rất khiêm tốn cho năm 2021. trong năm 2021, doanh nghiệp dự kiến tổng doanh thu là 7.839 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 197,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 1,8% và giảm 70,2% so với thực hiện trong năm 2020.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu DPM có giá 19.000 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 16/4), gần như không thay đổi nhiều so với phiên giao dịch đầu năm. Trong khi đó, cổ phiếu DCM có giá 17.100 (chốt phiên 16/4) tăng tới hơn 21% so với chốt phiên đầu năm 4/1.

Văn Giáp
Theo TTXVN