Vì sao lợi nhuận Fecon (FCN) sụt giảm 38% sau kiểm toán?

Theo doanh nghiệp lý giải, lợi nhuận sau kiểm toán biến động do lợi nhuận gộp của công ty mẹ và hợp nhất sau kiểm toán giảm so với số liệu trước kiểm toán lần lượt là 37,1 tỷ đồng và 47,9 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm là 11,9% và 9,3%.

Vì sao lợi nhuận Fecon (FCN) sụt giảm 38% sau kiểm toán? - Ảnh 1

Công ty cổ phần FECON (mã chứng khoán FCN - sàn HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 38,4% so với trước kiểm toán, tương đương giảm 44 tỷ đồng về 70,78 tỷ đồng.

Theo doanh nghiệp lý giải, lợi nhuận sau kiểm toán biến động do lợi nhuận gộp của công ty mẹ và hợp nhất sau kiểm toán giảm so với số liệu trước kiểm toán lần lượt là 37,1 tỷ đồng và 47,9 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm là 11,9% và 9,3%.

Trong năm giá vốn một số dự án tăng so với dự kiến ban đầu bởi giá nguyên vật liệu biến động bất thường và chi phí nhân công tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian thi công của một số công trình kéo dài hơn kế hoạch nên phát sinh thêm chi phí trong năm và ảnh hưởng tiến độ quyết toán giá trị công trình.

Công ty đã làm việc và có những trao đổi thống nhất với một số chủ đầu tư/thầu chính về việc điều chỉnh tăng giá hợp đồng thi công do các yếu tố biến động nêu trên nên công ty đã thực hiện tính toán lãi gộp trên cơ sở giả định có nguồn bù giá này. Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán với nguyên tắc thận trọng, thực hiện ghi nhận lãi gộp giảm đi trên quan điểm chưa có bằng chứng chắc chắn về việc bù giá từ chủ đầu tư/thầu chính do đó dẫn đến việc làm giảm lợi nhuận gộp của công ty.

Xét về dòng tiền, trong năm 2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 109,2 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 88,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 1.204,9 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.271,6 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ và phát hành thêm cổ phiếu.

Tính tới 31/12/2021, tổng tài sản của FCN tăng 12,1% so với đầu năm lên 7.598 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.817,7 tỷ đồng, chiếm 37,1% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 1.886,8 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.710,1 tỷ đồng, chiếm 22,5% tổng tài sản.

Ngoài ra, trong năm 2021, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 55% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 876,7 tỷ đồng lên 2.471,6 tỷ đồng và chiếm 32,5% tổng nguồn vốn.