Xuất khẩu chè giảm mạnh cả về lượng và trị giá trong tháng 8/2021
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 8/2021 đạt 10,3 nghìn tấn, trị giá 17,4 triệu USD, giảm 22,2% về lượng và giảm 20,2% về trị giá so với tháng 8/2020. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè đạt 79,9 nghìn tấn, trị giá 133 triệu USD, giảm 5,6% về lượng và giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 8/2021 đạt 1.685,9 USD/tấn, tăng 2,5% so với tháng 8/2020. Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.664 USD/tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính đến thời điểm này kinh tế toàn cầu đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng nặng nề nhất và đang nỗ
lực duy trì đà hồi phục nhờ việc đẩy mạnh tiến trình tiêm chủng vắc xin. Tuy nhiên, tại thị trường trong
nước, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều nhà máy chế biến chè phải tạm dừng sản xuất, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu. Do đó, lượng và trị giá xuất khẩu chè trong tháng 8/2021 giảm mạnh. Triển vọng xuất khẩu chè trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.
Đáng chú ý, trong tháng 8/2021 lượng và trị giá xuất khẩu chè sang các thị trường chính như Pa-ki-xtan, thị trường Đài Loan, Nga và Trung Quốc đều giảm mạnh. Trong khi đó, lượng và trị giá xuất khẩu chè sang các thị trường: I-rắc, Hoa Kỳ, In-đô-nê-xi-a, Ả rập xê út, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Đức tăng trưởng rất mạnh. Trong đó, xuất khẩu tới thị trường I-rắc đạt 599 tấn, trị giá 918,6 nghìn USD, tăng 106,6% về lượng và tăng 98,9% về trị giá; tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ đạt 509 tấn, trị giá 696,2 nghìn USD, tăng 76,1% về lượng và tăng 86% về trị giá… Tuy nhiên, lượng xuất khẩu chè sang các thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nên không bù đắp được mức giảm mạnh từ các thị trường xuất khẩu chè chính của Việt Nam.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, lượng và trị giá xuất khẩu chè sang thị trường Pa-ki-xtan và thị trường Đài Loan vẫn tăng khá. Trong đó, chè xuất khẩu sang Pa-ki-xtan đạt 24,5 nghìn tấn, trị giá 47,9 triệu USD, tăng 0,4% về lượng và tăng 3,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Chè xuất khẩu sang thị trường Đài Loan đạt 12,1 nghìn tấn, trị giá 18,56 triệu USD, tăng 10,3% về lượng và tăng 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Lượng chè xuất khẩu sang 2 thị trường này chiếm 45,9% tổng lượng chè xuất khẩu.
Việt Nam dẫn đầu xuất khẩu chè sang Đài Loan
Việt Nam vẫn duy trì vị trí là đối tác xuất khẩu trà/ chè lớn nhất vào Đài Loan (cả về lượng lẫn về giá trị). Theo thống kê của Cơ quan quản lý ngoại thương Đài Loan (BOFT) cho thấy, 8 tháng đầu năm 2021, Đài Loan đã nhập trên 22.170 tấn trà (chè) từ 32 đối tác trên toàn thế giới. Trong đó, 53,29% là trà Việt Nam. Về giá trị xuất khẩu, trà Việt sang Đài Loan đạt 18,55 triệu USD, chiếm 30,59% tổng kim ngạch trà nước này nhập khẩu.
Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, chè Việt xuất sang Đài Loan tăng 9,73% về lượng và 9% về giá trị. Với tỷ trọng xuất khẩu lớn, Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trong top 37 quốc gia xuất khẩu mặt hàng này sang Đài Loan. Xếp hạng sau Việt Nam lần lượt là Srilanka, Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản.
Trước đó, theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Đài Loan, trong 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam, Xri Lan-ca và Ấn Độ là 3 thị trường cung cấp chè lớn nhất cho thị trường Đài Loan, dẫn đầu là Việt Nam đạt 10 nghìn tấn, trị giá 15,7 triệu USD, tăng 15,3% về lượng và tăng 14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, giá chè nhập khẩu bình quân từ Việt Nam ở mức thấp, đạt 1.568,2 USD/tấn, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 52,5% tổng lượng chè nhập khẩu, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Chè đen là chủng loại chính thị trường Đài Loan nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2021, đạt 13,5 nghìn tấn, trị giá 34,1 triệu USD, tăng 16,2% về lượng và tăng 23% về trị giá so cùng kỳ năm 2020. Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng chè đen đạt 2.522,2 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam, Xri Lan-ca, Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a là những thị trường cung cấp chính mặt hàng chè đen cho thị trường Đài Loan. Tiếp theo là chủng loại chè xanh thị trường Đài Loan nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 5,55 nghìn tấn, trị giá 17,7 triệu USD, tăng 14,9% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, Việt Nam là thị trường cung cấp chính chủng loại chè xanh cho thị trường Đài Loan trong 7 tháng đầu năm 2021, với tỷ trọng chiếm 78,9% tổng lượng chè xanh thị trường Đài Loan nhập khẩu, tăng 2,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Nhật Bản là thị trường cung cấp chè xanh lớn thứ 2 cho thị trường Đài Loan, giá chè xanh nhập khẩu bình quân từ Nhật Bản ở mức rất cao, đạt 10.498,7 USD/tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Nhật Bản chiếm 17,5% tổng lượng chè xanh nhập khẩu, giảm 2,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Hiệp hội chế biến trà Đài Loan, đa phần chè Việt Nam xuất khẩu vào Đài Loan nhắm vào phân khúc dùng cho thực phẩm (trà sữa, bánh) hoặc cần gia công thêm trước khi đóng gói trở thành thức uống cho người tiêu dùng Đài Loan.
Ngoài ra, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu chè ô long tăng rất mạnh cả về lượng và trị giá, mặc dù giá giảm mạnh, đạt 151 tấn, trị giá 291.000 USD, tăng gần 78% về lượng và tăng 41,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Chè ô long được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Đài Loan với lượng chiếm 98,4% tổng lượng chè ô long xuất khẩu.
An Hi