Trong báo cáo mới phát hành, Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, quý cuối cùng của năm 2022, tỉ lệ các công ty châu Âu chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh đến Việt Nam tăng lên 41%. Trong khi quý 3-2022, tỉ lệ này chỉ là 13%.
Theo thông tin từ trang AJU Business Daily của Hàn Quốc, công ty LG Display thuộc tập đoàn LG dự kiến sẽ huy động khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư từ các ngân hàng trong và ngoài nước để mở rộng dây chuyền sản xuất màn hình OLED và xây dựng cơ sở hạ tầng nhà máy của họ ở Việt Nam.
Ông Ishiguro Yohei - Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Văn phòng Việt Nam cho biết: "Trong bối cảnh cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng do COVID-19 vai trò của Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng hơn. Không hề quá lời khi nói rằng Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Nhật Bản, vì vậy việc củng cố và phát triển hơn nữa chuỗi cung ứng của Việt Nam là vô cùng cần thiết đối với các công ty Nhật Bản".
"Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và đang cho thấy quyết tâm trong việc nâng cao giá trị chuỗi sản xuất. Đặc biệt là đầu tư cho việc cải thiện năng lực sản xuất", ông Christopher Jeffery - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (Britcham) đánh giá.
Lĩnh vực xuất khẩu được xem là một động lực tích cực góp phần vào tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam, vốn thường xuyên đạt 7% hằng năm trong thập kỷ qua. Bất chấp những khó khăn về kinh tế gây ra bởi xung đột Nga-Ukraina, đại dịch và lạm phát, ngành sản xuất ở Việt Nam vẫn tiếp tục mở rộng, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao. Luxshare Precision của Trung Quốc - một nhà cung cấp lớn khác của Apple - đã công bố kế hoạch bắt đầu sản xuất Apple Watch tại Việt Nam. Trước đây, các sản phẩm như thế này được sản xuất độc quyền tại Trung Quốc. Điều này cho thấy động thái mới nhất trong một đợt chuyển dịch sản xuất bắt đầu vào tháng 1.2018 khi Mỹ áp đặt các mức thuế đầu tiên đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, cho rằng các công ty quốc tế và thậm chí cả các công ty Trung Quốc, bắt đầu tìm cách chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam - quốc gia tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do.
Chính phủ Việt Nam là một đối tác quan trọng trong các Hiệp định Thương mại tự do quốc tế, với hơn một chục hiệp định đã được ký kết, bao gồm cả với Liên minh Châu Âu (EU) và Vương quốc Anh. Vì vậy, khi các công ty chuyển sang Việt Nam, họ không chỉ được hưởng lợi từ việc tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ, mà còn sang các thị trường khác, theo ông Hiệp. Mỹ hiện là thị trường lớn của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang nước này đạt 96,3 tỉ USD vào năm 2021.
Các yếu tố khác góp phần vào sự thu hút đầu tư của Việt Nam bao gồm vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng được cải thiện, đặc biệt là ở phía bắc Đồng bằng sông Hồng, nơi tập trung những gã khổng lồ công nghệ như Samsung, LG và Foxconn. Ngoài ra, lao động của Việt Nam vẫn còn tương đối rẻ và người lao động Việt Nam có kỷ luật và năng lực tốt.