Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ TT&TT cho biết: “Theo số liệu điều tra, thống kê của Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam là một trong 5 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất trên thế giới và tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam giảm chậm và còn cao. Trước thực trạng và nguy cơ về tác hại đối với sức khỏe con người và các hệ lụy xã hội do sử dụng các loại thuốc lá gây ra, công tác truyền thông phải hết sức quan trọng”.
Trong những năm qua, với những nỗ lực của Bộ Y tế và các bộ, ngành, các tỉnh thành phố, công tác phòng chống thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, So với năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam đã giảm từ 45,3% xuống 42,3%.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc nhiều nhất trên thế giới và mức giảm ở trên vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020, đó là giảm sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống còn 39%.
Chia sẻ về các nguyên nhân chủ yếu khiến cho tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp, giá thuốc rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo. Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm mới như: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…
Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã được Ban tổ chức cung cấp một số vấn đề về tác hại của thuốc lá và mục tiêu giảm sử dụng thuốc lá; tình hình sử dụng, mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá; phòng chống tác hại thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá mới và các chính sách ưu tiên trong hoạt động phòng chống thuốc lá tại Việt Nam giai đoạn 2023-2024.
Ngoài ra, những nội dung mới như ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc lá tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và vai trò của các giải pháp phòng chống thuốc lá; Lợi ích của chính sách thuế đối với thuốc lá, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới cũng được các đại biểu thảo luận, trình bày trong hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế; Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, nhấn mạnh, hút thuốc lá có những tác hại khôn lường đến sức khoẻ, tạo gánh nặng lên kinh tế cho gia đình và xã hội. Do đó, cần phải có những giải pháp đẩy mạnh phòng, chống tác hại thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ người dân, nhất là thanh thiếu niên, thế hệ trẻ tương lai của đất nước và giảm gánh nặng về kinh tế.
Cung cấp thông tin cho báo chí, Ths. Bs Nguyễn Thị An - Giám đốc tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em cơ sở vững chắc cho việc thực hiện các chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá một cách toàn diện cho thuốc lá gây hại cho trẻ em cả hút thuốc chủ động và thụ động.
Từ những thách thức đưa ra tại hội thảo như thuốc lá dễ mua, dễ tiếp cận, giá thuốc lá rẻ lôi kéo những nạn nhân mới, các sản phẩm thuốc lá mới nhắm tới giới trẻ, Ths. Bs Nguyễn Thị An đã đưa ra những khuyến nghị tăng cường thực thi luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để ngăn chặn sự gia tăng sức mua, hạn chế thanh niên tiếp cận; ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam, trong đó truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết về tác hại của các loại thuốc lá.
Trên cơ sở các thông tin đã được cung cấp và trao đổi tại Hội thảo, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ TT&TT đề nghị và mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân nhìn nhận và hiểu rõ hơn về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và kinh tế, bên cạnh đó góp phần để chung tay tham gia giải quyết các vấn đề lớn của đất nước và phòng chống tác hại của thuốc lá.
Hương Trà - Tiến Hoàng